Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

“Quyền im lặng” nhìn từ Australia

“Quyền im lặng” nhìn từ Australia


Trụ sở Tòa án Tối cao bang New South Wales - Australia.

Chuyến bay đêm đưa chúng tôi từ TP.Hồ Chí Minh đến Australia qua cửa ngõ thành phố Sydney - thủ phủ bang New South Wales, nằm trên bờ biển Tasman phía đông của Australia đúng vào thời điểm chính giữa mùa đông.


Buổi sáng, trời lạnh dưới 10 độ C với những cơn mưa nhỏ khiến cho tầm nhìn từ trên ngọn đồi xung quanh cảng Jackson bị bao phủ bởi lớp sương mỏng, như càng tô điểm thêm sự kỳ vĩ của Nhà hát Opera Sydney vốn dĩ là tượng đài nghệ thuật của xứ sở kangaru này.

Trước khi đến Sydney, tôi được biết Australia là một nhà nước liên bang với 6 tiểu bang và 2 vùng lãnh thổ, với chính phủ trung ương tại Canberra có quyền làm luật trong phạm vi các lĩnh vực cụ thể theo quy định tại Hiến pháp, trong đó có Luật Hình sự, với sự bổ sung bởi các án lệ truyền thống thừa hưởng từ nước Anh khi chiếm đóng Australia từ cuối thế kỷ 18. Những văn bản pháp luật liên bang được bổ sung bởi Luật Hình sự do chính phủ các tiểu bang và vùng lãnh thổ ban hành, quy định tội phạm và hình phạt đối với nhiều hành vi phạm tội được thực hiện trong phạm vi lãnh thổ của họ. Trong chuyến đi lần này, tôi cố gắng tìm hiểu ở góc độ pháp luật thực định liên quan đến việc bảo đảm quyền bào chữa đối với người bị tình nghi phạm tội, trong đó chế định về quyền im lặng được thể hiện như thế nào…

Luật sư, công tố viên cao cấp Christopher Maxwell - người mà tôi đã gặp trong cuộc hội thảo quốc tế tại TP.Hồ Chí Minh vào tháng 3.2010 - đã đề cập đến câu cửa miệng mà mỗi điều tra viên đều phải nói ra có tính bắt buộc (tương tự như “Thông báo Milanda” nổi tiếng của Hoa Kỳ): “Anh/chị có quyền giữ im lặng và anh/chị không có nghĩa vụ phải nói bất cứ điều gì; nhưng bất cứ điều gì anh/chị nói sau đây có thể được sử dụng làm chứng cứ chống lại anh/chị”. Điều này cho thấy quyền im lặng được phổ cập tại các quốc gia theo chế độ án lệ (common law) với mô hình tố tụng tranh tụng.

Trong khi đó, ở một số mô hình khác, quyền im lặng có thể được diễn giải qua những cách thức thể hiện khác. Khoản 3 (g) Điều 14 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị của Liên Hợp Quốc quy định, một người “không buộc phải đưa ra lời khai chống lại bản thân hoặc không buộc phải khai nhận tội” thật ra cũng không hoàn toàn đồng nghĩa với quyền được im lặng vào bất cứ thời điểm nào trước khi phiên tòa bắt đầu như đã nêu trên. Khoản 3, Điều 116 Bộ luật Tố tụng hình sự CHLB Đức quy định, dự thẩm viên phải báo cho người bị điều tra biết, nếu không được sự đồng ý của người ấy thì không thể tiến hành hỏi cung họ nếu không có sự hiện diện của luật sư. Điều 29 BLTTHS Hà Lan, Điều 64 BLTTHS Italia, Điều 198 BLTTHS Nhật Bản đều đề cập trực tiếp đến các quyền này của người bị tình nghi phạm tội. Ngay ở Việt Nam, Điều 48, 49 BLTTHS cũng đã quy định một số quyền của người bị tạm giữ, bị can sau khi bị bắt tạm giữ, tạm giam, trong đó có quyền được biết lý do của việc bắt giữ, tội danh, cũng như được giải thích quyền và nghĩa vụ trong TTHS, quyền tự bào chữa và nhờ người khác bào chữa; được nhận các quyết định tố tụng, kết luận điều tra…

Theo luật của Australia, một người bị tình nghi không có nghĩa vụ phải nói với điều tra viên về hành vi phạm tội bị cáo buộc và mọi nỗ lực của điều tra viên nhằm ép người bị tình nghi nói ra sẽ dẫn đến việc bị xét lại về giá trị pháp lý khi sử dụng một cuộc thẩm vấn như vậy trong giai đoạn truy tố sau đó. Quy định này xuất phát từ bản chất của việc truy tố tội phạm, trong đó nghĩa vụ của bên buộc tội phải chứng minh được tội phạm và bị cáo không có nghĩa vụ chứng minh bất cứ điều gì. Đó là lý do tại sao các điều tra viên ở nhiều quốc gia thường cố gắng lấy lời khai từ người bị tình nghi, nhưng bước đầu tiên mà họ cần phải làm là thông báo cho người bị tình nghi biết về quyền được im lặng của người đó. Đến lượt mình, nếu người bị tình nghi đồng ý để trả lời các câu hỏi của điều tra viên sau khi một cảnh báo như vậy được đưa ra, thì việc tiến hành lấy lời khai tự nguyện của người bị tình nghi sẽ trở thành chứng cứ có giá trị để chứng minh cho vụ án và và cũng sẽ công bằng hơn cho người bị tình nghi.

Tòa án ở Australia bên cạnh việc thông báo bị cáo có quyền giữ im lặng tại phiên tòa, ví dụ như từ chối đưa ra chứng cứ làm căn cứ chứng minh có tội hoặc làm căn cứ có lợi cho bên công tố và phải được giải thích rõ ràng cho bồi thẩm đoàn, không được phép thông báo tại phiên tòa về việc bị cáo có tiền án. Điều đó có nghĩa là tòa án không biết về quá khứ không tốt đẹp hoặc những tiền án của bị cáo trong có thể làm ảnh hưởng quá trình xem xét việc bị cáo có tội hay không. Chứng cứ đó chỉ được đưa ra và sử dụng ở giai đoạn quyết định hình phạt khi bị cáo bị tuyên là có tội. Quyền này cho phép thẩm phán khi xét xử được loại trừ những chứng cứ không bảo đảm tính hợp pháp nhằm chứng minh hành vi bị coi là tội phạm.

Suy nghĩ từ những hạt nhân hợp lý trong quy định của pháp luật của các nước về quyền im lặng của người bị tình nghi phạm tội, hay việc bảo đảm quyền gặp mặt riêng tư, cũng như sự hiện diện của luật sư trong tất cả các buổi hỏi cung trong giai điều tra có ý nghĩa quan trọng trong việc tham khảo nhằm sửa đổi, bổ sung BLTTHS ở nước ta hiện nay…

Lao động cuối tuần

http://laodong.com.vn/lao-dong-cuoi-tuan/quyen-im-lang-nhin-tu-australia/129402.bld






0 nhận xét:

Đăng nhận xét