Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Human Rights Logo











Tại sao Trung Quốc đánh chiếm các đảo của Việt Nam vào tháng 3.1988?

(TNO) Từ đầu năm 1988, Trung Quốc đã sử dụng một lực lượng lớn hải quân gồm nhiều tàu chiến chiếm đóng một loạt đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đảo Gạc Ma đã bị quân Trung Quốc đánh chiếm vào ngày 14.3.1988 - Ảnh: D.Đ.Minh

Cao trào của hành động xâm lược này diễn ra vào ngày 14.3.1988 khi biên đội gồm 6 tàu chiến, trong đó có 3 tàu hộ vệ có trang bị tên lửa và pháo 100 mm, của Trung Quốc đã bắn chìm và cháy 3 tàu vận tải của Việt Nam tại bãi đá ngầm Gạc Ma trong cụm đảo Sinh Tồn của Việt Nam.
Trong vụ thảm sát này, 64 binh sĩ Việt Nam đã anh dũng hy sinh. Sau đó Trung Quốc còn ngăn chặn không cho tàu mang cờ chữ thập đỏ ra cứu những người bị thương, bị nạn.
Điều phải lưu ý là đây là lần đầu tiên người Trung Quốc (lục địa) đặt chân đến Trường Sa. Trước đó, với tư cách quan phương, Trung Quốc chưa bao giờ có mặt ở vùng biển này.

Tàu HQ505 đã lao lên bãi ngầm ở đảo Cô Lin cắm cờ khẳng định chủ quyền Tổ quốc vào ngày 14.3.1988 - Ảnh: tư liệu
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, từ sự kiện 14.3.1988, có những điều cần phải nói rõ như sau:
Đầu tiên, ngay sau ngày 14.3.1988, thông qua hệ thống tuyên truyền khổng lồ của mình, Trung Quốc đã ngang nhiên bịa đặt trắng trợn với dư luận trong nước và quốc tế rằng: Các tàu Trung Quốc đang thả neo để yểm trợ cho tàu chở đoàn các nhà khoa học Liên Hiệp Quốc (LHQ) đi khảo sát khoa học tại Trường Sa thì bị các tàu chiến của Việt Nam tấn công. Vì thế hải quân Trung Quốc bắt buộc phải đánh trả tự vệ!
Sau đó thông qua người phát ngôn của Tổng thư ký, LHQ đã nói rõ: không hề có tàu của LHQ tổ chức khảo sát khoa học ở Trường Sa vào 3.1988!
Rõ là “cháy nhà ra mặt chuột” và chính quyền Trung Quốc đã “lấy thúng úp voi”, đã “lấy thịt đè người” lại còn muốn lấy tay che mặt trời!
Đã không có tàu khảo sát khoa học của LHQ thì chắc chắn không có việc tàu chiến Việt Nam tấn công tàu Trung Quốc. Điều mà nhiều người đều biết đó là chuyện “ngậm máu phun người” là sở trường của các nhà cầm quyền Trung Quốc.
Trước đó, năm 1962 Trung Quốc phát động chiến tranh biên giới với Ấn Độ và chiếm của Ấn Độ hàng nghìn km2 nhưng lại vu cáo Ấn Độ xâm lược Trung Quốc. Năm 1979, Trung Quốc tiếp tục đem 60 vạn quân xâm lược Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc. Sự việc rõ ràng như vậy nhưng cũng được họ tuyên truyền là “phản kích tự vệ quân Việt Nam xâm lược”!

Lễ tưởng niệm các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh ngày 14.3.1988 tại Cam Ranh (Khánh Hòa) - Ảnh: tư liệu
Thứ hai, có một câu hỏi cần đặt ra là, tại sao Trung Quốc lại tiến hành đánh chiếm các đảo của Việt Nam tại Trường Sa vào tháng 3.1988?
Cuối 1987 đầu 1988 là thời kỳ Việt Nam rơi xuống điểm thấp nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội. Tình hình trong nước chồng chất khó khăn: kinh tế đình đốn, đời sống của đại đa số người dân cực kỳ vất vả.
Cũng trong thời điểm đó, Liên Xô cũng bắt đầu lâm vào khủng hoảng chính trị - xã hội. Bắc Kinh cúi mình trước Washington, tự nhận là “NATO phương Đông” để nhận được nguồn tài chính và công nghệ, kỹ thuật từ Mỹ và phương Tây để phục vụ cho mục tiêu hiện đại hóa. Trong bối cảnh ấy, Trung Quốc cũng đã câu kết với Mỹ và hầu hết các nước trong khu vực (trừ Lào và Campuchia) siết chặt vòng bao vây, cấm vận đối với Việt Nam.
Lợi dụng tình thế khó khăn đó của Việt Nam, Trung Quốc đánh chiếm một số đảo của Việt Nam tại Trường Sa phục vụ cho ý đồ lâu dài.
Trung Quốc cũng là bậc thầy trong việc lợi dụng thời điểm. Mặc dù đã đưa lực lượng ra Trường Sa và có những hoạt động đe dọa từ đầu năm 1988, nhưng thời điểm được Trung Quốc lựa chọn nổ súng rơi đúng vào 14.3.1988 cũng là thời điểm lễ tang Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Hùng được tổ chức tại Hà Nội! Một khi họ đã có dã tâm thì chuyện “tang gia bối rối” lại trở thành điều có thể lợi dụng được!

Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc - Ảnh: Chiến sĩ canh gác trên đảo Len Đao (quần đảo Trường Sa) - Ảnh: D.Đ.Minh
Câu chuyện xảy ra ngày 14.3.1988 tại Trường Sa đến nay vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự. Sự hy sinh của những người lính Việt Nam 25 năm trước là một lời nhắc nhở tới 90 triệu người đồng bào hôm nay, trước hết là những người có trọng trách với dân tộc, không bao giờ được quên những điều sau:
Một là, lòng tin phải được đặt đúng chỗ. Đối với Trung Quốc, điều quan trọng không phải là lời nói mà là hành động.
Hai là, cần phải hiểu về con đường mà Trung Quốc lựa chọn. Những toan tính và hành động của Trung Quốc liệu có phải là một quốc gia cộng sản đồng chí như họ từng miêu tả hay thực tế là chính sách dân tộc nước lớn vị kỷ?
Việc vô cớ đem quân đánh chiếm các đảo của một quốc gia láng giềng, bất kể quốc gia đó phát triển theo đường lối nào cũng là đi ngược lại những nguyên tắc sơ đẳng trong quan hệ quốc tế và phản bội đối với chủ nghĩa Marx - Lênin mà Trung Quốc từng sử dụng như một chiêu bài.
Láng giềng là vĩnh viễn và không bao giờ thay đổi, trừ phi có một trận siêu động đất đẩy hai quốc gia ra xa nhau!
Việt Nam cần và mong muốn có một mối quan hệ hữu nghị, ổn định, lâu dài với Trung Quốc. Tuy nhiên quan hệ ấy cần được đặt trong sự tôn trọng lẫn nhau về nhiều mặt, đặc biệt là vấn đề “bất biến” là chủ quyền quốc gia, lợi ích dân tộc. Không tỉnh táo nhận thức được điều này, lệ thuộc vào những yếu tố “ứng vạn biến” như “mười sáu chữ”, “bốn tốt” có thể dẫn đến những bước đi sai lầm mang lại hậu quả lớn cho quốc gia, dân tộc!
Chúng ta đã có được bài học đắt giá khi rơi vào cảnh bị cô lập trên trường quốc tế từ 1979-1990. Bài học ấy cùng với sự kiện 14.3.1988 mách bảo chúng ta rằng bị cô lập không đồng nghĩa với có độc lập, mà ngược lại, bị cô lập sẽ dẫn đến thảm họa, thậm chí mất cả độc lập và chủ quyền quốc gia.
Các nhà sử học Việt Nam chân chính và những người Việt có lương tâm trong sáng sẽ còn mất nhiều thời gian và công sức nghiên cứu, mổ xẻ, soi xét sự kiện 14.3.1988 một cách khách quan để rút ra bài học bổ ích cho những người Việt hiện nay và các thế hệ mai sau.
Độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc không thuộc sở hữu riêng của riêng ai. Nó là tài sản lớn nhất, quý giá và quan trọng nhất của cả dân tộc.
Liêm Thạch

Thứ Năm, 21 tháng 11, 2013

Một cách lấy lại Hoàng Sa mà không đổ máu.

(Châu Văn Thi)-Nhân đọc bài truyền thuyết dân gian chợt tôi có ý nghĩ:
*
Nếu thực sự mộ của ông ấy linh ứng như vậy thì người dân miền Trung sẽ mong ông "đi" sớm hơn để miền Trung khỏi năm nào cũng đón bão. Chưa hết mấy ông "lãnh đạn" sẽ được chôn ở những vùng phía dưới chân của thủy điện thì đảm bảo thủy điện sẽ không phải "xả lũ đúng quy trình". Chưa dừng lại ở đó nhân dân sẽ bầu bán, chọn xác ông nào linh nhất đưa ra trấn giữ Hoàng Sa, Trường Sa. Khi đó linh khí của các ông ấy tỏa ra mạnh nhất khiến giặc Tàu khiếp đảm, tim đập chân run mà bỏ của chạy lấy người. Từ đó Hoàng Sa Trường Sa sẽ trở về với đất mẹ mà không tốn một viên đạn, công lao ấy lớn biết dường nào!

Nền thái bình thịnh trị sẽ trở về quê hương Việt Nam. Các thế lực phản động sẽ thôi không "xuyên tạc" nữa , năm châu bốn bể sẽ vinh danh Việt Nam, đất nước cựu thù USA sẽ quỳ mọp xuống mà hôn chân VN. Ôi... Mong lắm thay!!!


Thứ Tư, 20 tháng 11, 2013

GẶP MẶT NGÀY HIẾN CHƯƠNG CÁC NHÀ GIÁO 20/11/ 2013



(Lê Thiện Nhân)-Hôm qua ngày 20/11/2013, các nhà giáo Nguyễn Anh Dũng, Tô Oanh, Đỗ Việt Khoa, Vũ Mạnh Hùng, Nguyễn Danh Ngọc cùng bạn bè thân hữu gặp nhau kỷ niệm ngày hiến chương các nhà giáo tại Hà Nội.

Buổi gặp mặt đã diễn ra trong không khí cởi mở, thân tình thăm hỏi về cuộc sống gia đình, cùng nhau bày tỏ về những vấn đề về hiện tình đất nước. Mỗi người mỗi hoàn cảnh khác nhau nhưng đều có chung một tấm lòng mong muốn cho một xã hội tốt đẹp, đất nước ngày một mạnh lên, không còn những kẻ cường quyền “ hèn với giặc, ác với dân”. Các thầy và thân hữu là những người đã quen biết nhau trong quá trình đấu tranh cho lẽ phải công lý, chống tiêu cực tham nhũng, gặp nhau trong những cuộc biểu tình chống Trung Cộng xâm lược biển đảo của việt nam. Điều mà các thầy cùng thân hữu quan tâm là sự xuống cấp của xã hội ngày càng trầm trọng, oan khuất bất công trong xã hội ngày càng chồng chất mà chính bản thân các thầy và gia đình cũng đang phải gánh chịu trước sự vô tâm, vô cảm, vô trách nhiệm của những người cầm quyền.

Các thầy cũng không quên những tù nhân lương tâm nói chung và đặc biệt là thầy giáo Đinh Đăng Định nói riêng đang chịu cảnh tù đày, bị đối sử một cách vô nhân đạo. Những tấm gương hi sinh quyền lợi cá nhân, bất chấp sự hiểm nguy đối với bản thân và sự gánh chịu của gia đình sẵn sàng đấu tranh chống tiêu cực tham nhũng, bầy tỏ lương tâm trách nhiệm và chính kiến của mình đối với những vấn đề bất lợi cho nhân dân và đất nước. Mọi người cũng không quên nhắc lại chuyện thầy giáo Vũ Hùng vì lên án cái ác, bày tỏ lòng yêu nước và yêu sách của mình với khẩu hiệu:

- Tham nhũng là hút máu dân.

- Lạm phát giá cả tăng cao là giết dân.

- Mất đất, biển, đảo là có tội với tổ tiên.

- Yêu cầu : Đảng cộng sản việt nam thực hiên ngay dân chủ hóa đất nước và đa nguyên đa đảng.

Thầy đã bị đuổi khỏi bục giảng, bị lệnh bắt khẩn cấp, bị biêt giam, rồi bị 3 năm tù giam, 3 năm quản chế. Tất cả những thực tế đau lòng diễn ra trong xã hội hôm nay gần như ai cũng biết đó là cơ chế. Vậy ai sinh ra và tại sao không thay đổi nó ? Ai cố tình giữ nó là có tội với dân với nước.

Cuối cùng, các thầy và thân hữu cũng đặc biệt quan tâm đến việc sửa đổi hiến pháp, muốn gửi một thông điệp đến các đại biểu quốc hội : Mọi vấn đề trong xã hội, mà thực tế đau thương bất hạnh đã diễn ra trên đất nước Việt Nam trong mấy chục năm qua đều có nguyên nhân xâu xa từ lý luận Mác - Lê Nin và điều 4 của hiến pháp hiện hành.

Trước khi chia tay mọi người cùng nhau hát vang bài ” Triệu con tim một tiếng nói”.

Hà nội, ngày 21-11-2013

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Đinh Thúy An - Thư gửi bố Đinh Đăng Định nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11

Nguồn: Dân Luận

Hình trường THPT Lê Quý Đôn, nơi thầy giáo Đinh Đăng Định đang dạy học trước khi bị bắt.
Bố thân yêu!
Hôm nay, ngồi trong giảng đường tham dự buổi lễ chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam mà con không ngừng nghĩ về bố-người thầy vĩ đại nhất trong lòng con. Vậy là sắp bước sang mùa 20/11 thứ 3 kể từ khi bản án tù 6 năm nghiệt ngã giáng xuống bố và gia đình ta. Chỉ vì lương tâm của một nhà giáo không cho phép bố im lặng trước thời cuộc, vậy là bố phải sống trong chốn lao tù, độc ác hơn nữa là bố phải sống chung với căn bệnh ung thư dạ dày mà không được đi chữa trị. Con tự hỏi cái “tâm” của những người ra quyết định bắt bố phải trở lại nhà tù nằm ở đâu???
Con đang tự hỏi “Không biết giờ này bố đang làm gì nhỉ? Mấy ngày hôm nay sức khỏe của bố thế nào?” Hôm nay, Con nhìn thấy được niềm vui của các thầy trong ngày lễ thiêng liêng này, con ước giá mà con có thể dâng tặng bố những niềm vui nho nhỏ ấy thì hạnh phúc biết bao. Con vừa căm giận vì sự tàn nhẫn, vô tình giữa những con người với nhau vừa đau lòng khi thấy bố sống trong đau đớn của bệnh tật, sống trong lạc lõng ở chốn tù lao - cái nơi mà đáng lẽ không bao giờ dành cho bố. Con thương bố, con thương mẹ, và không khỏi xót xa cho gia đình mình.
Bố ạ! Giờ con đã là sinh viên năm thứ 3, em Nga nhà mình cũng chập chững bước vào đại học. Tuy con không nhiều nhặn kinh nghiệm hơn em là bao nhưng bố yên tâm nhé! Con sẽ chỉ bảo cho em những gì con biết, nhắc nhở em học hành. Ba chị em con vẫn luôn yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, bảo ban nhau và cả động viên mẹ để tiếp tục sống tốt mà không hề bi quan hay chán nản mà bỏ cuộc giữa chừng. Chúng con sẽ mãi mãi là những cô học trò bé nhỏ của bố, là những cô con gái ngoan của bố mẹ.
Bố ơi! Con biết hy sinh nào cũng đi kèm với mất mát. Bố đã hy sinh bản thân mình, giữ vững lí tưởng để cống hiến và đóng góp cho xã hội dân chủ. Con hiểu và càng trân trọng những những gì bố đã làm. Cả gia đình mình luôn tin ở bố. Bố cũng phải giữ gìn sức khỏe luôn lạc quan để đấu tranh với bệnh tật và đi đến tận cùng của lí tưởng. Con mãi mãi không quên lời bố dặn để trở thành một con người tốt hay ít nhất là sống đúng nghĩa là một con người.
Đã hơn hai năm nay, gia đình mình quen với việc thiếu bố trong bữa cơm thường ngày, quay quần bên nhau trong ngày lễ tết lại càng không thể. Nhưng tất cả những điều ấy, mẹ và chúng con đều vượt qua được hết để có thêm động lực vượt qua mọi đau khổ mà gia đình mình gánh chịu. Bố ạ! Bố luôn là người thầy, người bố lớn nhất trong lòng con, với cả mẹ, cả chị và cả em nữa. Cám ơn bố vì những khoảng thời gian đứng bục giảng để truyền dạy tri thức cho cả 3 chị em chúng con.
Đã và sẽ không còn nữa những giọt nước mắt yếu mềm khi cả nhà ta chia tay nhau trong trại giam, thay vào đó là niềm tin bất diệt vào lí tưởng cuối cùng, tin vào những ngày đoàn tụ không xa bố nhé!
Các thế hệ học trò bao nhiêu năm dưới sự dìu dắt của bố xin gửi tới bố đóa hoa tươi thắm nhất; xin tri ân nhưng công lao dạy dỗ thành tài của bố.Mong bố luôn lạc quan để vượt qua căn bệnh hiểm nghèo.
Mẹ và chúng con yêu bố!
Con gái, học trò của bố.
Đinh Thúy An

Lẵng hoa hồng gia đình chuẩn bị để đi thăm thầy Định ngày mai, 20/11. Tới giờ này gia đình vẫn chưa biết có thể vào gặp thầy Định ngày mai hay không.


Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Lũ lụt tràn về miền Trung, thiên tai hay nhân tai?!

(Châu Văn Thi)-Bão lụt miền Trung năm nào cũng có, không nhiều thì ít gây tang thương khắp dải đất miền Trung. Lũ quét, lũ ống... thi nhau kéo về, đặc biệt mấy năm gần đây còn có lũ do thủy điện xả đột ngột, lũ chồng lũ khiến người dân ngày càng khổ hơn.

Thiên tai hay nhân tai?

Siêu bão Haiyan kéo về cấp 16,17 nhưng số thiệt hại nhân mạng là13 người hầu hết là do tai nạn khi chuẩn bị phòng tránh bão, nhưng chỉ một trận mưa kéo dài từ 16h-20h ngày 15/11 đã khiến cho các trục đường chính của thành phố Huế ngập lụt.

*Nguy hiểm hơn:

"Lúc 6g sáng 16/11, tất cả 15 hồ thủy điện tại miền Trung đồng loạt xả tràn, 9 hồ xả với lưu lượng lớn 400m3/s, gồm các Thủy điện Bình Điền(654m3/s), Hương Điền (636m3/s), Sông Tranh 2 (2.352m3/s), Sông Ba Hạ(2.400m3/s), Ya Ly (2.000m3/s), PlaiKrông (602m3/s), Sê San 3 (1.920m3/s), Sê San 4 (2.356m3/s) và Thủy điện Sê San 4A là 2.472m3/s.

Trong khi đó, Thủy điện Đắk Mi 4 và Thủy điện A Vương xả lũ đã làm ngập cục bộ cho huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Toàn huyện Đại Lộc có khoảng 34.000 hộ bị ngập nặng trên 3m; chính quyền đã di dời tại chỗ 1.200 hộ với 3.900 người." (báo Đất Việt)

Thủy điện Sông Tranh 2 đang xả lũ với lưu lượng khoảng 2.700m3/s
Nguồn: Dân Trí

Người dân nhiều nơi bàng hoàng vì không trở tay kịp, tính đến 18/11, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 40 người chết, mất tích, còn thiệt hại về vật chất là chưa thể nào đo đếm được.
Dư luận phẫn nộ

* Trên facebook kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, người Đà Nẵng có viết:

"Điều cay đắng, đây không phải là lần đầu tiên. Năm nào người dân Miền Trung nghèo khó cũng bị đại nạn này. Thủy điện xả lũ đã thành đại họa cho dân miền trung. Như án tử hình treo lơ lửng trên đầu họ.
Mỗi lần gây ra tai họa, cộng đồng lại dậy sóng chỉ trích các thủy điện, thậm chí là các cấp chính quyền có liên quan, nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đó. Vì sao vậy? Vì cái ác không bị phán xét và trứng phạt thích đáng. Tội ác nếu không được phán xét, trừng phạt thích đáng thì nó sẽ không bao giờ dừng lại.
Có một thực tế, chúng ta không thể van xin lòng tốt của kẻ khác. Chúng ta cần lôi chúng ta tòa để công lý được thực thi.
Dù bị thiệt hại nặng nề, tính mạng, tài sản bị đe dọa nhưng từng người dân nghèo, thấp cổ bé họng không thể kiện cáo được. Họ bị hạn chế về tiền bạc, thời gian cũng như kiến thức về luật pháp.
Trước thực trạng trên, tôi có ý định lập một ủy ban để tiến hành kiện các chủ nhà máy thủy điện ra tòa. Rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người."

*Nhiều bạn đọc của các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đòi xem xét trách nhiệm quản lý, và buộc các nhà quản lý này phải bồi thường cho nhân mạng và tài sản của người dân bị thiệt hại.

Ảnh chụp màn hình: tuoitre

Phỏng vấn người trong cuộc

Anh Đình Thắng - một "công dân tự do" trong vùng lũ Quảng Nam đã dành cho tôi một buổi trò chuyện:

Được biết anh cũng là một người dân sống trong đợt lũ miền Trung, Tây Nguyên, anh có thể cho độc giả biết dư luận bà con ngoài ấy như thế nào khi biết tin lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng là do thủy điện xả nước?
Bây chừ đi đâu cũng nghe người ta lên án thủy điện xả nước làm lũ chồng lũ nặng thêm, người ta cũng nói chính quyền địa phương không thông báo cho người dân biết việc thủy điện xả nước, làm người dân không kịp trở tay. Nhưng người ta chỉ oan trách vậy thôi, chứ chẳng ai nói đến việc khiếu nại hay kiện tụng thủy điện.
Vì sao bà con không nhắc đến việc khiếu kiện các công ty của những công trình thủy điện?

 Mình có giải thích cho những người bị thiệt hại biết rằng họ có thể kiện những ai gây thiệt hại cho mình, nhưng họ nghĩ là những người làm thủy điện có thế lực lớn nên có kiện cũng không thắng nổi, cũng dễ hiểu thôi, họ là những người nông dân chân chất nên không quen với việc kiện tụng.

Biếm họa: Lao động online

Với lại dân miền Trung năm nào cũng bão lũ, cũng thiệt hại nên thủy điện có làm thiệt hại thêm nhiều nữa họ cũng cam chịu. Hình như người dân mình quen cam chịu rồi thì phải?!
Nếu người dân biết được quyền của mình và họ muốn kiện các công ty thủy điện thì anh có thể giúp được gì cho họ?


Thật sự mình rất muốn khởi kiện, nhưng cơ bản thiệt hại về vật chất của mình rất nhỏ nên không thể khởi kiện, còn tinh thần thì càng khó. Mình sẽ cố gắng thu thập các bằng chứng thiệt hại của bà con, sau đó sẽ ủy quyền cho anh Phạm Lê Vương Các thảo đơn kiện các công ty thủy điện. Nhưng quan trọng bà con chưa ai dám kiện! Khó là chổ đó, những người bị thiệt hại mà họ không dám lên tiếng thì mình khó có thể làm dùm.
Cảm ơn anh đã dành cho tôi buổi trò chuyện thú vị này.



Giải pháp đặt ra
Với tư cách là một blogger tự do, tôi yêu cầu sự giải trình của các cơ quan có trách nhiệm, xử lý pháp luật các nhà quản lý của những thủy điện xã lũ không đúng quy trình. Ngoài ra còn các cơ quan có liên quan phải đền bù cho những người dân bị thiệt hại về tính mạng, hoa màu, đất sản xuất.... Việc này cần phải làm mạnh và quyết liệt, không để tình trạng xả lũ ồ ạt gây lũ chồng lũ này tái diễn.

Ví dụ như: 

-Khi thủy điện vào mùa mưa không được tích nước nhiều và phải xả nước trước khi có mưa lớn. Việc xả nước phải báo cho nhân dân biết trước để chuẩn bị, ngoài ra phải có giải pháp di dời dân ở những vùng ngập nặng đến nơi an toàn.
-Đánh giá lại năng lực của các thủy điện, hồ đập... cái nào không hiệu quả gây thiệt hại cho dân cần phải chấm dứt hoạt động ngay.
-Tổ chức hội nghị có sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tìm ra một giải pháp đúng đắn cho sự hoạt động nối tiếp nhau của thủy điện trên cùng một con sông.

Thiết nghĩ thiên tai là điều không ai mong muốn, nhưng nhân tai do thủy điện gây ra hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như xử lý được trách nhiệm hình sự của các cá nhân điều hành thủy điện xả lũ gây chết người. Mong lắm thay.

Biếm họa: Tuổi trẻ online



Châu Văn Thi-Tường trình từ Sài Gòn






Chủ Nhật, 17 tháng 11, 2013

No-U Sài Gòn ra sân ngày 16/11/2013

Chiều thứ bảy 16/11/2013, No-U SG lại ra sân như thường lệ tại sân bóng đá trường Nguyễn Thượng Hiền gặp đội VRNs (Truyền thông Chúa cứu thế).

Trận này No-U SG vắng nhiều trụ cột nghỉ Vinh Le, Vô Thường, Hành Nhân... là cơ hội cho các cầu thủ khác thể hiện và rèn luyện. Tuy nhiên do chưa cọ xát nhiều và non kinh nghiệm nên No-U SG phải chịu thúc thủ trước VRNs.

Vào trận, hai đội đá khá cởi mở nên có những cơn mưa bàn thắng dành cho cả 2 phía, trong đó cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất bên phía VRNs là Cha Đinh Hữu Thoại với 5 bàn thắng.

Sau trận đấu No-U SG, có cuộc họp kỹ thuật ở... quán nước mía. Nhiều vấn đề được đưa ra và cần làm gấp rút trong thời gian sắp tới để hoàn thiện kỹ, chiến thuật cho đội.
*
Mời các bạn xem clip và những hình ảnh đẹp từ trận đấu:





















Châu Văn Thi-Tường trình từ Sài Gòn



Viếng đám tang thân mẫu blogger Trăng Đêm (Hồ Điệp)


(Châu Văn Thi )-Được tin thân mẫu của blogger Trăng Đêm (Hồ Điệp) và là nhạc mẫu của blogger Uyên Vũ (Vũ Quốc Tú) qua đời, ngày 17/11/2013 anh chị em No-U SG đã đến viếng và chia buồn với gia đình.
Tại đây, đoàn No-U SG đã thay mặt NO-U FC kính viếng vòng hoa từ Hà Nội. Trong niềm tiếc thương vô hạn này , câu lạc bộ bóng đá No-U xin được gởi lời chia buồn sâu sắc nhất đến với gia đình 2 blogger và nguyện cầu hương linh bà được về miền Cực lạc.

Linh cữu được quàn tại tư gia số 672 An Dương Vương, P13, Q6.




Chia sẻ nỗi đau với gia đình.

Vòng hoa của No-U FC kính viếng.

Đại diện No-U SG kính viếng và chia buồn.



Thắp nhang trước linh cữu.

Châu Văn Thi-Tường trình từ Sài Gòn

Đồng tiền có mùi gì?

(LĐO) - Chủ nhật 17/11/2013 12:32

Một câu chuyện có thật vừa được đưa lên báo đang gây sự phẫn nộ cực điểm trong dư luận. 
Đại ý là vào một buổi trưa, bà L - nhân có việc đi ngang trường Hùng Vương - đã tá hỏa khi nhìn thấy cháu nội là Lã Thị Th V đang đứng bơ vơ trước cổng trường đóng kín. Hỏi cơ sự thì cháu V nói không được ăn cơm vì chưa nộp tiền.
Bà Tô Thị Lan mong rằng những vụ việc đang tiếc như trường Hùng Vương sẽ không xảy ra ở bất cứ nơi nào khác vì sẽ là mối nguy hiểm cho học sinh, nhất là các cháu độ tuổi tiểu họcBà Tô Thị Lan mong rằng những vụ việc đang tiếc như trường Hùng Vương sẽ không xảy ra ở bất cứ nơi nào khác vì sẽ là mối nguy hiểm cho học sinh, nhất là các cháu độ tuổi tiểu học

*
Sáng hôm sau, bà đưa cháu đến trường và khất cô tài vụ hẹn buổi trưa sẽ đến đóng tiền và được phòng tài vụ đồng ý. Vậy mà trưa hôm đó khi đến trường đóng tiền, bà L một lần nữa lại thấy cháu nội của mình đứng dưới cái nắng chang chang trước cổng trường đang đóng kín…
Hóa ra, nguyên do của việc bị đuổi cổ ra ngoài cổng trường trong giờ các bạn ăn trưa chỉ là vì chậm nộp tiền. Và chậm nộp tiền là vì cha mẹ cháu V đang xảy ra lục đục.
Bạn sẽ có thể có một thứ tình cảm nào khác ngoài sự phẫn nộ. Bạn có bao giờ giật mình mỗi khi lơ đãng nghe chuyện con nhắc nộp tiền?
Người ta có thể trách “cha mẹ cháu đã thiếu quan tâm đến con cái”. Người ta có thể nói “nhà trường không phải là trại tế bần”. Thậm chí, người ta lập luận rằng: “Không có tiền thì không ăn. Thế thôi; để đảm bảo công bằng cho những người nộp tiền ăn”. Nhưng từ bao giờ, dưới mái trường XHCN đã sinh ra cái thứ công bằng bằng cách làm nhục một đứa bé? Từ bao giờ và ai đã nghĩ ra biện pháp sòng phẳng đến lạnh lùng là buộc một đứa bé phải đứng ngoài cổng để gây sức ép thu tiền? Và từ bao giờ, đồng tiền trở thành một tiêu chí cho việc phục vụ trong chính môi trường sư phạm đang dạy dỗ những đứa trẻ rằng đồng tiền không mua được hạnh phúc.
Còn bảo đó là “biện pháp” ư? Liệu có thể gọi sự lạnh lùng đến vô cảm, sòng phẳng đến nhẫn tâm là một biện pháp?
Nhắc lại rằng, cháu V - 7 tuổi, mới đang chỉ là một học sinh lớp 2. Có lẽ cháu còn quá nhỏ để có thể khóc trong tủi nhục.
Đã có một thời, khi buộc học sinh mặc đồng phục, ngành giáo dục đã đưa ra một lý do rất thuyết phục là để tạo ra sự bình đẳng, để tránh sự phân biệt giàu-nghèo trong môi trường giáo dục.
Sự bình đẳng ấy đang hiện diện về mặt hình thức trên những tấm áo đồng phục. Nhưng trong không ít trường hợp, lại thiếu vắng trong chính tư duy của những nhà giáo dục.
Những học sinh ở thủ đô phải ngồi trong lớp, không được ra ngoài xem xiếc cùng các bạn do cha mẹ không đóng 40 ngàn đồng. Lý do được giải thích là “đảm bảo công bằng cho những bạn đóng tiền”.
Và giờ, một đứa trò còn quá nhỏ để biết thế nào là công bằng, còn quá thơ dại để hiểu nổi tủi nhục, bị đối xử như thể hất kẻ ăn mày ra ngoài cửa nhà.
Đồng tiền ngoài chợ có mùi hàng tôm hàng cá. Còn nếu đồng tiền ngay trong nhà trường đang là một thước đo chuẩn mực thì không hiểu đồng tiền đó có mùi gì!
Anton Makarenko - nhà sư phạm vĩ đại người Ukraina - có lần nêu triết lý giáo dục của ông rằng: “Muốn có những đoá hoa đẹp phải kịp thời dùng kéo cắt những cành khô hoặc dùng thuốc sát trùng mà tưới cho hoa”.
Chắc chắn, đó không phải là lưỡi kéo đồng tiền để cắt vào trang giấy tâm hồn còn đang trắng tinh. Bởi thứ mà “lưỡi kéo đồng tiền” nhận được không phải là một đóa hoa đẹp, mà là một tổn thương của người lớn và là một bài học lớn về nổi tủi hổ của những đứa bé.

Trường tiểu học Hùng Vương