Thứ Tư, 19 tháng 3, 2014

Chuyến đi miền Tây thăm các cựu tù nhân lương tâm


Châu Văn Thi
PV. CTNLT | 18/3/2014

Lê Minh Triết, Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Văn Điền, Nguyễn Văn Thơ-Hội CTNLT.
Ngày hôm qua, 17/3/2014 tôi đã tháp tùng cùng CTNLT Phạm Bá Hải và Nguyễn Thanh Phong đến thăm các gia đình cựu TNLT khác ở miền Tây.

Cựu tù nhân lương tâm Lê Minh Triết

Cư sĩ PGHH-Cựu TNLT Lê Minh Triết
Buổi sáng trời nắng gắt, chúng tôi cho xe máy chạy nhanh đến xã Kiến An, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang để đến thăm nhà của cư sĩ Phật Giáo Hòa Hảo Lê Minh Triết. Đường đến nhà ông khá ngoằn nghèo, phải băng qua những cánh đồng lúa đến những thửa ruộng trồng ớt đỏ tươi. Nhà của ông Tư Triết là một ngôi nhà cấp 4, được bao lại bằng tôn, nằm lọt thỏm ở giữa đồng ruộng mênh mông. Phía sau nhà có trồng những cây mít, đây là nguồn thu nhập chính của ông.
Ông Triết từ xưa đến nay là một cư sĩ PGHH. Năm 1995 ông bị kết án tù 7 năm về tội “gây rối trật tự công cộng”. Năm 2002 hết thời hạn ở tù giam, ông bị trả về địa phương và thi hành việc quản chế, nhưng cho đến nay việc quản chế dường như vẫn còn có hiệu lực. Bình thường thì không sao nhưng khi đến các ngày lễ của PGHH như: ngày khai đạo 18-5, và ngày 25/11 lễ đản sanh Đức Thầy thì  ông Triết tuyệt đối không đi đâu được để tham dự. Hiện nay ông sống với người chị ruột bị mù mắt năm nay đã hơn 70 tuổi, cuộc sống hết sức khó khăn do hai chị em đều đã già yếu, mất sức lao động.


Thay mặt Hội Cựu tù nhân lương tâm, ông Phạm Bá Hải cũng đã trao món quà trị giá 1 triệu đồng cho ông Tư Triết. Ông Triết cũng cảm ơn Hội đã quan tâm giúp đỡ gia đình ông. Được biết ông Triết cũng là một cây bút phê bình mạnh mẽ những việc làm không đúng của nhà cầm quyền hiện nay.

Thăm nhà cựu TNLT Lê Minh Triết.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Thơ

Vượt qua quãng đường hơn 80km từ nhà ông Lê Minh Triết trong trời nắng gắt, quá trưa chúng tôi mới đến được nhà của cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Thơ ở số 523/2 ấp Hòa Tân, xã Tân Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Giống như nhiều ngôi nhà khác ở khu vực này, nhà ông không có gì đáng giá ngoài chiếc radio cầm tay cũ kỹ. Ông dành hẳn một gian nhà để thờ Đức Huỳnh Giáo Chủ. Đón chúng tôi ở nhà trong bộ đồ Pijama màu xanh nhạt, vui mừng bắt tay ông Phạm Bá Hải, ông nói: “Văn kỳ thinh bất kiến kỳ hình”. Ông biết Phạm Bá Hải đã khá lâu nhưng hôm nay mới gặp mặt. Bảo đứa cháu gái pha vội cafe cho những vị khách đường xa, ông Thơ chậm rãi kể về cuộc đời của mình…

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Thơ bên ảnh Đức Huỳnh Giáo Chủ.

 Ông tên thật là Nguyễn Văn Thơ, tự Năm Thơ, sinh năm 1941. Gia đình ông truyền thống là Phật Giáo Hòa Hảo vì vậy ông cũng noi gương gia đình giữ đạo.

Năm 2006, khi ông Năm Thơ bị ngăn cản khi trên đường hành đạo, ông đã quay về tọa kháng, tuyệt thực tại nhà, căng băng rôn với nội dung: “Đả đảo cộng sản đánh đập tín đồ PGHH, chính quyền đàn áp tôn giáo”. Ông bị bắt và trong phiên tòa sau đó, ông đã bị kết án 6 năm tù giam. Vợ ông là bà Dương Thị Tròn sinh năm 1947, cũng bị kết án 4 năm tù giam và bị “chồng” thêm án 5 năm trong vụ án bà Nguyễn Thị Thu tín đồ PGHH tự thiêu năm 2001. Năm 2012, ông hết hạn tù và trở về nhà khi ông vừa bước qua tuổi 71.

Ông tâm sự: “Mong ước hiện giờ của tôi là tiếp tục đấu tranh đòi tự do tôn giáo cho PGHH, nếu vì điều đó mà tôi có bị ở tù nữa thì tôi cũng chấp nhận“. Trước khi ra tù ông Thơ cũng đã nói chuyện với một người ở cục bảo vệ chính trị bộ công an rằng: “Nếu có về nhà mà PGHH có tự do tôn giáo thì tôi sẽ làm một tín đồ bình thường. Nếu tôi về nhà mà PGHH chưa được tự do thì tôi sẽ tiếp tục đấu tranh. Có rạch bụng chết tôi cũng không sợ vì tôi coi như là đem thân xác hèn mọn này cúng dường cho Phật. Người đó có nói với tôi là khi về sẽ tiến cử cho tôi làm Chánh trị sự PGHH tỉnh Đồng Tháp, nhưng tôi không đồng ý do tôi đấu tranh đòi tự do cho tôn giáo chứ không vì bản thân mình!

Mỗi khi có chuyện xảy ra, hoặc có ngày lễ PGHH đều có 1 đến 2 nhân viên an ninh thường phục đi theo dõi ông Thơ từ xa. Họ chỉ đi theo dõi chứ chưa thấy làm gì cả, như lời ông nói.
Về phần vợ ông, bà Dương Thị Tròn, đang thụ án cũng bị những cơn tăng xông, tụt canxi hành hạ. Nhiều lúc lên cơn co giật sùi bọt mép. Hai tháng một lần gia đình mới tổ chức đi thăm bà Tròn với mức tổn phí lên tới 5 triệu đồng. Chuyến rồi nhà ông đã phải cầm chiếc xe máy 3 triệu đồng…

Từ trái qua: Nguyễn Thanh Phong, Nguyễn Văn Thơ, Phạm Bá Hải.
Đại diện Hội Cựu tù nhân lương tâm, ông Phạm Bá Hải cũng đã trao một phần quà tượng trưng trị giá 2 triệu đồng cho ông Nguyễn Văn Thơ. Ông Thơ cũng chân thành cảm tạ Hội CTNLT đã đến thăm và giúp đỡ gia đình ông. Mong Hội sẽ tiếp tục phát triển mạnh hơn, giúp đỡ nhiều cựu tù nhân lương tâm hơn nữa!

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Văn Điền

CTNLT Nguyễn Văn Điền
Trời bắt đầu xế bóng, chào tạm biệt gia đình ông Thơ, chúng tôi chạy xe qua nhà cựu TNLT Nguyễn Văn Điền cách đó gần 20km. Qua những đoạn đường đất phủ bụi mù, hai bên là những ruộng lúa xanh rì, chúng tôi cũng đến được nhà ông Út Điền ở xã Tân Phước, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp. Ông Điền ra đón chúng tôi trong sự mừng vui, rạng rỡ mặc dù một bên mắt của ông đã bị lòa. Ông mời chúng tôi những ly nước mát để xua tan cái nóng nực của nắng, của bụi đường.

Hỏi thăm ông về cuộc đời của mình ông kể:” Tôi tên là Nguyễn Văn Điền, tự Út Điền, sinh năm 1939, là một tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo. 5h sáng ngày 5/8/2005 sau khi tôi hành đạo, cúng xong bàn thông thiên, tôi vào nhà tịnh tọa, thì bất ngờ “mấy anh” cho lực lượng tràn vào. Bỗng nhiên tôi thấy nhói sau lưng và không biết việc gì nữa…

Khi tỉnh lại tôi thấy hai quả chanh đã dồn ở trong miệng mình, miệng bị bịt lại; chiếc áo cà sa của tôi cũng bị cởi ra trói ké hai tay sau lưng, hai tay cũng bị còng lại. Sau đó họ bắt đưa đi tòa và phải nhận mức án 7 năm tù cho tội danh “gây rối trật tự công cộng”. Ngày 5/8/2012, tôi hết án tù trở về nhà, về đến nhà cũng không thấy gây khó khăn gì nhiều ngoài cái chốt của công an tỉnh cách nhà hai căn, đi đâu họ cũng đi sau theo dõi“. Hiện tại ông sống cùng vợ trong một căn nhà đơn sơ, các con đã lớn và làm ăn nơi khác. Ông không có làm gì ra tiền, không vườn, không ruộng… “Thỉnh thoảng con tôi có gởi chút ít tiền về, các huynh đệ đồng đạo cũng giúp đỡ lương thực để sống“.

Hỏi về hành đạo, ông nói: “Còn về quan niệm sống đối với tôi thì là cuộc sống đạo, chỉ cố gắng để giữ đạo chờ Thầy. Vấn đề hoạt động tôn giáo còn hạn chế, chưa có gì cởi mở cả. Nhu cầu của PGHH nói chung là được hoạt động tự do tôn giáo và nhà nước phải trả lại các tài sản của giáo hội năm xưa, trước năm 1975 có gì thì phải trả lại như cũ, chứ không đòi hỏi gì thêm. Nhưng họ cũng không trả lại cho mình ngoài một vài ngôi chùa cụ thể. Về phần giáo hội cũng tạm, đành rằng phía bên kia cũng lập nên  một giáo hội quốc doanh để họ đáp ứng yêu cầu của mình và làm đối sách để đối ngoại với thế giới. Thực sự đó là giáo hội không như mong muốn của mình chứ chưa có gì gọi là cởi mở cả. Việt Nam hiện nay cũng đã là thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ, hy vọng sẽ có bước chuyển mới cho vấn đề tự do tôn giáo!

Trao phần quà trị giá 2 triệu đồng của Hội CTNLT cho ông Điền, ông Phạm Bá Hải chúc ông giữ gìn sức khỏe và chúc PGHH sớm có được tự do. Ông Điền ngỏ lời cảm ơn Hội CTNLT đã giúp đỡ gia đình ông và chúc mọi người bình an, làm tốt công việc của mình.

Ông Nguyễn Văn Điền và Nguyễn Thanh Phong bên ảnh của Đức Huỳnh Giáo Chủ.
Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thanh Phong

Cựu tù nhân lương tâm Nguyễn Thanh Phong.
Lúc 5 giờ chiều, việc thăm hỏi gia đình ông Nguyễn Văn Điền kết thúc, Hội CTNLT cũng hướng về nhà anh Nguyễn Thanh Phong để dùng cơm tối.

Tối 7 giờ, sau khi tắm rửa xong, một bữa cơm chay đạm bạc do chị Nguyễn Ngọc Hà làm được dọn ra nóng hổi, thơm phức. Anh Phong trầm ngâm tâm sự về cuộc đời sóng gió của mình:

Tôi là Nguyễn Thanh Phong sinh năm 1974, vợ tôi là Nguyễn Ngọc Hà sinh năm 1977 cùng là tín đồ PGHH. Ngày 5/8/2005 vợ chồng tôi bị bắt ở nhà Út Bửu cùng nhiều đồng đạo khác. Hai vợ chồng bị đem ra xét xử và bị kết án lần lượt là 6 năm  cho tôi và 4 năm cho vợ tôi. Trong thời gian ở tù, tôi phải để lại hai cháu nhỏ cho ông bà nội nuôi. Sau khi hết án ngày 5/8/2011, tôi trở về nhà với hai bàn tay trắng nhưng vẩn bị sách nhiễu…

Bước qua năm 2012, ngày 14 tháng giêng âm lịch, vợ tôi mua đồ về cúng cơm ngày bà nội qua đời. Vợ tôi vừa ra tới chợ thì bị một lực lượng công an hơn 50 người vây đánh vợ tôi. Hay tin tôi chạy xe ra tới chợ, chưa kịp xuống xe thì đã bị đánh dã man. Sau đó tôi bị họ còng hai tay dẫn giải trên đường hơn 1km và nhốt lại. Đến 5 giờ chiều thì họ thả tôi ra… Hiện giờ tôi chỉ có một yêu cầu là nhà cầm quyền cộng sản phải trả cho chúng tôi quyền tự do tín ngưỡng Phật Giáo Hòa Hảo và chấm dứt những sách nhiễu đối với gia đình tôi“.

Còn một số gia đình CTNLT khác ở miền Tây mà chúng tôi không thể gặp do thời gian hạn hẹp, đành gác lại chuyến viếng thăm sau.

Chúng tôi vội vã quay trở về Sài Gòn cho kịp chuyến phà đêm. Trăng sáng lên cao, gió lồng lộng thổi làm cho mặt nước cứ chao nghiêng. Trong đầu tôi giờ đây chỉ quanh quẩn với dòng suy nghĩ phải làm sao có tự do tôn giáo cho PGHH. Nhìn xa xăm nơi những hàng cây tối om ven bờ, tôi biết rằng con đường đó còn dài và chắc sẽ còn nhiều hy sinh mất mát…




Chủ Nhật, 16 tháng 3, 2014

Thấy gì qua cuộc tìm kiếm máy bay Malaysia MH370 mất tích

(Châu Văn Thi)-Tròn 1 tuần lễ kể từ ngày máy bay Malaysia số hiệu MH370 mất liên lạc (8/3/2014) Việt Nam đã huy động 11 máy bay, hơn 10 tàu các loại thực hiện tìm kiếm quy mô lớn trên một khu vực rộng lớn ở phần phía Nam vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh từ phía Tây sang kinh tuyến 106,30 với diện tích lên đến 196.000 km2. 
Chúng ta hãy cùng nhau phân tích và rút kinh nghiệm cho cuộc tìm kiếm "quy mô lớn" này

Từ lạc hậu đến hiện đại
*
Từ ngày 8/3/2014 Việt Nam huy động các tàu:
- Cứu nạn SAR 413
- Cứu nạn SAR 272
- Cảnh sát biển số hiệu 2002
- Cảnh sát biển số hiệu 2003
- Hải quân HQ 954
- Hải quânHQ 637
- Hải quân HQ 888
- Kiểm ngư KN 774
...

*Huy động các lượt trực thăng, thủy phi cơ:
- 3 chiếc AN 26
- 2 chiếc Mi 171,
- 1 chiếc DHC6,
- 2 chiếc tuần thám biển CASA
...

Máy bay tuần thám CASA
Máy bay AN-26

Số tiền bỏ ra cho một ngày tìm kiếm

Đội cứu hộ, cứu nạn Việt Nam hoạt động 24/24 chi phí ước tính lên tới khoảng 20 tỷ VNĐ/ngày (?)

Những gì kiếm được

- Một vệt dầu loang dài hàng mấy cây số (sau này phân tích là của tàu biển)
Các vệt dầu này xuất hiện có thể là do các tàu khi hành trình đến Việt Nam đã xả nước la canh không qua xử lý. Mặc dù công ước MARPOL 73/78 quy định rằng nước la canh không được bơm trực tiếp ra ngoài biển, tuy nhiên do sự quản lý lỏng lẻo và thiếu lực của các cơ quan có liên quan nên ta có thể thấy các vệt dầu loang xuất hiện ở khu vực tìm kiếm máy bay. Đây là mục tiêu theo dõi ban đầu của Việt Nam dẫn đến quyết định của các nước về việc điều thêm các tàu, máy bay đến tham gia cứu hộ.

"Vệt dầu loang" trên biển Đông.

- Vật thể nghi là miếng ốp cửa máy bay thoát hiểm

Vật thể nghi là miếng ốp cửa máy bay.

- Một đốm sáng lạ dài 3m


Thủy thủ tàu Vinalines Queen ngậm ngùi


   22 thủy thủ tàu Vinalines Queen mãi mãi mất tích từ 7h ngày 25/12/2011 sẽ ngậm ngùi nếu biết rằng cuộc cứu nạn cho họ không sốt sắng, tích cực, huy động nhiều phương tiện, đa quốc gia... bằng cuộc cứu nạn máy bay MH370. Người "anh em tốt" Trung Quốc đã không đưa lực lượng ra để tìm kiếm những thủy thủ mất tích. Nguyên do là vùng biển tàu Việt Nam mất tích không thuộc đường lưỡi bò phi pháp mà Trung Quốc đã vẽ!


Malaysia che dấu thông tin 

Malaysia tỏ ra là một nước che dấu thông tin nhiều nhất trong cuộc tìm kiếm máy bay mất tích này. Đầu tiên họ bảo máy bay MH370 mất tín hiệu liên lạc lần cuối ở vùng biển Việt Nam khiến tất cả công cuộc tìm kiếm của VN, TQ, Mỹ, Malaysia, Singapore, Philippines,... dồn tất cả vào đây. Sau đó phía Malaysia lại mở rộng vùng tìm kiếm đến eo biển Malacca. Như còn muốn tiếp tục họ hé lộ thông tin rada quân sự phát hiện máy bay còn bay thêm nhiều giờ nữa, khiến vùng tìm kiếm và cứu nạn giờ đây tập trung vào hành lang phía bắc mở rộng từ Thái Lan đến Kazakhstan / Turkmenistan và hành lang phía nam từ Indonesia đến nam Ấn Độ Dương.

Lần gần nhất các quan chức Malaysia nói có thể là máy bay đã hạ cánh an toàn ở đâu đó (?) vì tín hiệu cuối cùng mà máy bay phát đi là từ mặt đất.

Mưu đồ Trung Quốc

   Trung Quốc đưa ra rất nhiều phát hiện mới nhằm kéo dài cuộc "tìm kiếm cứu nạn" ở Việt Nam như: trưng ra 3 tấm ảnh vệ tinh cho rằng đó là những mảnh vỡ của MH370 kích thước lên tới 24 x 22 m. Tuy nhiên Mỹ đã điều tra và tuyên bố những vật thể đó không phải là mảnh vỡ MH370, sau đó Trung Quốc buộc phải thừa nhận đã công bố nhầm những hình ảnh này.

Một trong ba vật thể khả nghi được vệ tinh của Trung Quốc chụp lại. Ảnh: Sastind.gov.cn.
   Khi mọi sự chú ý đang dồn đến eo biển Malacca thì Trung Quốc tiếp tục công bố việc phát hiện những chấn động nhẹ ở ngoài khơi Việt Nam và Malaysia vào đúng thời điểm 85 phút sau khi mất liên lạc với máy bay số hiệu MH370. Việc này cực kỳ vô lý vì khi máy bay đâm thẳng xuống biển Đông sẽ vỡ tan tành và không kịp thời gian để gây nên những chấn động nhẹ ở lòng biển!

Thang đo độ Richter thể hiện những chấn động nhẹ xuất hiện vài ngàn lần/ ngày và khó phát hiện.
Rút kinh nghiệm

   Nhiều người ngây ngô cho rằng việc hoạt động nhân đạo quan trọng hơn chủ quyền biển đảo, rằng Việt Nam đã thực hiện tốt nghĩa vụ quốc tế của mình. Cứ cho rằng việc máy bay bị rớt ở vùng biển Việt Nam là thật thì ít nhất nhà cầm quyền cũng không nên cho một lực lượng rất lớn các tàu chiến đa quốc gia cày nát vùng biển của mình. Tôi có thể khẳng định Việt Nam không đủ lực để vừa tìm kiếm vừa giám sát một lượng lớn tàu chiến, khu trục, tàu đổ bộ cỡ lớn... chưa kể Trung Quốc đã sử dụng luôn cả máy bay TU-154 là dạng máy bay chở khách để tìm kiếm. 

   Trung Quốc sẽ rút kinh nghiệm vụ này cho lần sau, biết đâu được họ có mưu đồ ở Trường Sa, sẽ tiếp tục cho máy bay "mất tích" tại vùng biển đó và lại cho tàu ra cày nát vùng biển Việt Nam, kết hợp với thăm dò đáy biển, hay thả những thiết bị định vị tàu ngầm khiến cho những con tàu ngầm vừa mới tậu của Nga trở thành đống sắt vụn!

 ***Qua vụ này Việt Nam có được bài học lớn:
- Về hiệp đồng tác chiến cứu hộ trên biển,
- Về những thiếu sót do những con tàu cứu hộ SAR chỉ chạy được trong những vùng nội thủy và thời gian hoạt động trên biển ngắn ngày.
- Về những phương tiện định vị máy bay phải sử dụng cả IPAD để trên đùi, hay tìm kiếm bằng mắt thường mà không có phương tiện hỗ trợ.
- Tinh thần nhân đạo của người Việt Nam là vốn quý, nhưng không phải vì vậy có thể hy sinh chủ quyền biển đảo, sự kiện Hoàng Sa 1974 và Trường Sa 1988 sẽ mãi nhắc nhở về 1 tinh thần "quốc tế vô sản" phi lý. Trung Quốc đã, đang và sẽ vẫn là một tên bành trướng ích kỷ... Và nếu không cảnh giác có thể ngàn đời sau con cháu sẽ nguyền rủa những người vô tình hay cố ý tiếp tay cho giặc!!!