Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Bôxit Tây Nguyên: Đại hoạ dân tộc Việt (Kỳ II)

Kỳ II: Nhà máy Alumina Nhân Cơ(Đăk Nông): Môi trường tan nát, công nghệ lạc hậu rõ ràng.

Tiếp bài viết Kỳ I: Nhà máy Alumina Tân Rai(Lâm Đồng): Những quả bom đã được kích hoạt. 



Chúng tôi tiếp bước từ Lâm Đồng lên Đăk Nông, miền đất đỏ bazan đượm nắng gắt. Đường vào Khu Dự án Bôxit Nhân Cơ nhăm nhở ổ gà, ổ voi vì xe chở vật liệu tàn phá khi tiến hành xây dựng nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 05.

Nhân Cơ là một xã thuộc huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đăk Nông, Việt Nam. Nhân Cơ nói riêng và toàn tỉnh Đắk Nông nói chung đều nằm trên cao nguyên Mơ Nông, cao nguyên đất Feralit trên nền Bazan có nhiều khoáng sản, đặc biệt là quặng bô xít, theo nghiên cứu của chính phủ Việt Nam trên toàn Đăk Nông có khoảng 3,4 tỷ tấn(chiếm 63% toàn trữ lượng bauxite ở khu vực Tây Nguyên).

Tổng quan dự án Bôxit Nhân Cơ.

Dự án khai thác bauxite Nhân Cơ là một trong những dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được triển khai tại tỉnh Đắk Nông, Việt Nam. Tên gọi Nhân Cơ được đặt do nhà máy khai thác chính đặt tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam.

Chủ trương lập dự án bauxite - alumin Nhân cơ đã được thông qua tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bauxite với công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm. Việc khai thác bauxite tại Đắk Nông được chính phủ Việt Nam giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư với nhà thầu xây dựng nhà máy khai thác là công ty Chalieco, Trung Quốc thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế - mua thiết bị - xây dựng - đào tạo (EPC). Hiện nay dự án đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng.

Công nghệ Trung Quốc

Theo tính toán của Tập đoàn TKV và Bộ Công thương, nhu cầu tiêu hao điện năng cho việc sản xuất Alumina từ quặng Bauxite là không lớn, bình quân khoảng 200 - 256 kWh/tấn. Vì thế tại các nhà máy chế biến Alumina sẽ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tự dùng với quy mô khoảng 30 MW. Cũng tương tự mối nguy hại như dự án Bôxit Tân Rai(Lâm Đồng), dự án Bôxit Nhân Cơ cũng sử dụng công nghệ và lò nung công nghệ lạc hậu của Trung Quốc với những hiểm hoạ khôn lường. Ở nhà máy Tân Rai có 12 lò nung, nhưng ở Nhân Cơ có tới 18 lò nung sét zỉ đang chờ quét sơn cho sáng bóng khi dự án đi vào hoạt động.

Nước.

Theo phương án thiết kế, lượng nước sử dụng cho dự án là nước mặt tự nhiên, không sử dụng nước ngầm, với giải pháp tôn cao đập của hồ Nhân Cơ hiện có, sẽ tăng dung tích chứa nước của từ 2,08 triệu m3 lên 21,8 triệu m3 đủ cho việc sản xuất. Hiện nay, nước tại Hồ Nhân Cơ đã được trữ ở mức trung bình.

Rừng.

Khi triển khai xây dựng nhà máy Bôxit Nhân Cơ, hàng loạt hộ gia đình đã phải di dời, ước chừng hàng trăm hecta rừng bị triệt hạ. Thay vào đó là những hố sâu được đào rất rộng lớn, bừa bãi.

Hố bùn đỏ.

Dự án Bôxit Nhân Cơ cũng giống như Bôxit Tân Rai được thiết kế hai hố chứa bùn đỏ. Ở Tân Rai, theo quan sát của chúng tôi, hố bùn đỏ nhỏ hơn nhiều so với hố bùn đỏ ở Nhân Cơ.

Điểm khác biệt nữa là xã Nhân Cơ có độ cao so với mực nước biển cao, 02 hố bùn đỏ Nhân Cơ nằm ở vị trí cao hơn nhiều so với những khu vực gần kề. Như vậy sẽ rất trớ trêu khi một khối lượng bùn đỏ chứa các chất kiềm và phóng xạ nguy hiểm ở một vị thế cao như vậy.

Anh Trần Văn Trung ở xóm 08 xã Nhân Cơ cho biết: “Từ khi quy hoạch, xây dựng dự án Nhân Cơ, cuộc sống người dân ở đây bị xáo trộn hoàn toàn. Chúng tôi không được giải thích rõ ràng về các mỏ bauxite, việc xây dựng và mở rộng nhà máy alumina, hay kế hoạch thu hồi đất, đền bù. Trước đây, cả một khu rẫy cà phê, tiêu, mì tươi tốt mà giờ bị thu hồi gần hết mà đền bù chẳng thấm thoát gì. Người dân thấp cổ bé họng, có ý kiến Nhà nước không nghe cũng đành chịu”.

Hiện nay, công nhân Trung Quốc vẫn tiếp tục lưu trú, sinh hoạt tại khu vực hai xã Nhân Cơ, Nhân Đạo huyện Đắk R’Lâp tỉnh Đắk Nông, với sự quản lý lỏng lẻo của địa phương. Họ làm việc kín trong khu vực dự án.

Chị Hoa – Chủ quán Cà phê ở Chợ Nhân Cơ cho hay: “Người Trung Quốc hay ra quán chị uống cà phê lắm, giống như người địa phương vậy, họ còn đi chơi gái ở giữa chợ nữa kia. Từ lúc người Trung Quốc có mặt, có thêm nhiều quán cà phê đèn mờ lắm”.

Kết luận: Ngày 15/01/2011 sau khi xảy ra thảm họa bùn đỏ rại Hungary, Phát ngôn viên Ủy ban phụ trách về môi trường của Ủy ban Châu Âu(EC) - ông Jo Hennon - đã nói rõ: “Việc chọn lựa địa điểm tại khu vực mang nhiều rủi ro là sai lầm, và lẽ ra không nên cho phép xây dựng nhà máy này”. Và giờ đây Việt Nam lại đang tìm cách để tới những hiện thực đó bất chấp những quan ngại từ các chuyên gia, nhà khoa học trong nước cũng như nước ngoài về các hậu quả tai hại mà các dự án Bôxit tại Tây Nguyên hiện nay mang lại.
Thiết nghĩ, một chính quyền luôn hô hào kịch liệt là “của dân, do dân, vì dân” lại để những tiếng kêu, những nguyện vọng, những ưu tư của người dân ra ngoài tai, nhằm hướng tới những mục tiêu nguy hại tới vận mệnh cả dân tộc thì chính quyền đó đáng để người dân chà đạp và lãng quên.


FB Người Xứ Bố Sơn

3 nhận xét:

  1. Một mối họa cho dân tộc Viêt Nam

    Trả lờiXóa
  2. Một mối đại họa cho dân tộc Việt!

    Trả lờiXóa
  3. Người dân cũng biết khai thác bô xít ở Tây Nguyên là lợi bất cập hại, ai đời đi đào khoáng sản đem bán mà vẫn lỗ mỗi năm gần 300 triệu USD mà vẫn làm. Đến cả Đại Tướng Võ Nguyên Giáp người được cho là có uy tín chỉ sau chủ tịch Hồ Chí Minh, ba lần viết thư cho BCC mà người ta còn phớt lờ, thì người dân thấp cổ bé họng kêu cũng ích gì?

    Trả lờiXóa