Thứ Hai, 18 tháng 11, 2013

Lũ lụt tràn về miền Trung, thiên tai hay nhân tai?!

(Châu Văn Thi)-Bão lụt miền Trung năm nào cũng có, không nhiều thì ít gây tang thương khắp dải đất miền Trung. Lũ quét, lũ ống... thi nhau kéo về, đặc biệt mấy năm gần đây còn có lũ do thủy điện xả đột ngột, lũ chồng lũ khiến người dân ngày càng khổ hơn.

Thiên tai hay nhân tai?

Siêu bão Haiyan kéo về cấp 16,17 nhưng số thiệt hại nhân mạng là13 người hầu hết là do tai nạn khi chuẩn bị phòng tránh bão, nhưng chỉ một trận mưa kéo dài từ 16h-20h ngày 15/11 đã khiến cho các trục đường chính của thành phố Huế ngập lụt.

*Nguy hiểm hơn:

"Lúc 6g sáng 16/11, tất cả 15 hồ thủy điện tại miền Trung đồng loạt xả tràn, 9 hồ xả với lưu lượng lớn 400m3/s, gồm các Thủy điện Bình Điền(654m3/s), Hương Điền (636m3/s), Sông Tranh 2 (2.352m3/s), Sông Ba Hạ(2.400m3/s), Ya Ly (2.000m3/s), PlaiKrông (602m3/s), Sê San 3 (1.920m3/s), Sê San 4 (2.356m3/s) và Thủy điện Sê San 4A là 2.472m3/s.

Trong khi đó, Thủy điện Đắk Mi 4 và Thủy điện A Vương xả lũ đã làm ngập cục bộ cho huyện Đại Lộc, huyện Duy Xuyên (Quảng Nam).

Toàn huyện Đại Lộc có khoảng 34.000 hộ bị ngập nặng trên 3m; chính quyền đã di dời tại chỗ 1.200 hộ với 3.900 người." (báo Đất Việt)

Thủy điện Sông Tranh 2 đang xả lũ với lưu lượng khoảng 2.700m3/s
Nguồn: Dân Trí

Người dân nhiều nơi bàng hoàng vì không trở tay kịp, tính đến 18/11, mưa, lũ tại các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đã làm 40 người chết, mất tích, còn thiệt hại về vật chất là chưa thể nào đo đếm được.
Dư luận phẫn nộ

* Trên facebook kỹ sư Nguyễn Văn Thạnh, người Đà Nẵng có viết:

"Điều cay đắng, đây không phải là lần đầu tiên. Năm nào người dân Miền Trung nghèo khó cũng bị đại nạn này. Thủy điện xả lũ đã thành đại họa cho dân miền trung. Như án tử hình treo lơ lửng trên đầu họ.
Mỗi lần gây ra tai họa, cộng đồng lại dậy sóng chỉ trích các thủy điện, thậm chí là các cấp chính quyền có liên quan, nhưng rồi mọi việc lại đâu vào đó. Vì sao vậy? Vì cái ác không bị phán xét và trứng phạt thích đáng. Tội ác nếu không được phán xét, trừng phạt thích đáng thì nó sẽ không bao giờ dừng lại.
Có một thực tế, chúng ta không thể van xin lòng tốt của kẻ khác. Chúng ta cần lôi chúng ta tòa để công lý được thực thi.
Dù bị thiệt hại nặng nề, tính mạng, tài sản bị đe dọa nhưng từng người dân nghèo, thấp cổ bé họng không thể kiện cáo được. Họ bị hạn chế về tiền bạc, thời gian cũng như kiến thức về luật pháp.
Trước thực trạng trên, tôi có ý định lập một ủy ban để tiến hành kiện các chủ nhà máy thủy điện ra tòa. Rất mong nhận được sự ủng hộ của mọi người."

*Nhiều bạn đọc của các tờ báo lớn như Tuổi Trẻ, Thanh Niên đòi xem xét trách nhiệm quản lý, và buộc các nhà quản lý này phải bồi thường cho nhân mạng và tài sản của người dân bị thiệt hại.

Ảnh chụp màn hình: tuoitre

Phỏng vấn người trong cuộc

Anh Đình Thắng - một "công dân tự do" trong vùng lũ Quảng Nam đã dành cho tôi một buổi trò chuyện:

Được biết anh cũng là một người dân sống trong đợt lũ miền Trung, Tây Nguyên, anh có thể cho độc giả biết dư luận bà con ngoài ấy như thế nào khi biết tin lũ lớn gây thiệt hại nghiêm trọng là do thủy điện xả nước?
Bây chừ đi đâu cũng nghe người ta lên án thủy điện xả nước làm lũ chồng lũ nặng thêm, người ta cũng nói chính quyền địa phương không thông báo cho người dân biết việc thủy điện xả nước, làm người dân không kịp trở tay. Nhưng người ta chỉ oan trách vậy thôi, chứ chẳng ai nói đến việc khiếu nại hay kiện tụng thủy điện.
Vì sao bà con không nhắc đến việc khiếu kiện các công ty của những công trình thủy điện?

 Mình có giải thích cho những người bị thiệt hại biết rằng họ có thể kiện những ai gây thiệt hại cho mình, nhưng họ nghĩ là những người làm thủy điện có thế lực lớn nên có kiện cũng không thắng nổi, cũng dễ hiểu thôi, họ là những người nông dân chân chất nên không quen với việc kiện tụng.

Biếm họa: Lao động online

Với lại dân miền Trung năm nào cũng bão lũ, cũng thiệt hại nên thủy điện có làm thiệt hại thêm nhiều nữa họ cũng cam chịu. Hình như người dân mình quen cam chịu rồi thì phải?!
Nếu người dân biết được quyền của mình và họ muốn kiện các công ty thủy điện thì anh có thể giúp được gì cho họ?


Thật sự mình rất muốn khởi kiện, nhưng cơ bản thiệt hại về vật chất của mình rất nhỏ nên không thể khởi kiện, còn tinh thần thì càng khó. Mình sẽ cố gắng thu thập các bằng chứng thiệt hại của bà con, sau đó sẽ ủy quyền cho anh Phạm Lê Vương Các thảo đơn kiện các công ty thủy điện. Nhưng quan trọng bà con chưa ai dám kiện! Khó là chổ đó, những người bị thiệt hại mà họ không dám lên tiếng thì mình khó có thể làm dùm.
Cảm ơn anh đã dành cho tôi buổi trò chuyện thú vị này.



Giải pháp đặt ra
Với tư cách là một blogger tự do, tôi yêu cầu sự giải trình của các cơ quan có trách nhiệm, xử lý pháp luật các nhà quản lý của những thủy điện xã lũ không đúng quy trình. Ngoài ra còn các cơ quan có liên quan phải đền bù cho những người dân bị thiệt hại về tính mạng, hoa màu, đất sản xuất.... Việc này cần phải làm mạnh và quyết liệt, không để tình trạng xả lũ ồ ạt gây lũ chồng lũ này tái diễn.

Ví dụ như: 

-Khi thủy điện vào mùa mưa không được tích nước nhiều và phải xả nước trước khi có mưa lớn. Việc xả nước phải báo cho nhân dân biết trước để chuẩn bị, ngoài ra phải có giải pháp di dời dân ở những vùng ngập nặng đến nơi an toàn.
-Đánh giá lại năng lực của các thủy điện, hồ đập... cái nào không hiệu quả gây thiệt hại cho dân cần phải chấm dứt hoạt động ngay.
-Tổ chức hội nghị có sự tham gia của các nhà khoa học trong nước và quốc tế, tìm ra một giải pháp đúng đắn cho sự hoạt động nối tiếp nhau của thủy điện trên cùng một con sông.

Thiết nghĩ thiên tai là điều không ai mong muốn, nhưng nhân tai do thủy điện gây ra hoàn toàn có thể phòng tránh được nếu như xử lý được trách nhiệm hình sự của các cá nhân điều hành thủy điện xả lũ gây chết người. Mong lắm thay.

Biếm họa: Tuổi trẻ online



Châu Văn Thi-Tường trình từ Sài Gòn






1 nhận xét:

  1. Tại Sao Miền Trung Thường Bị Lũ Lụt

    Ngoài những yếu tố địa lý cơ bản ở miền trung như nhiều núi, đố dốc lớn, lòng sông cạn hẹp, cửa sông,...tôi có nhận thấy rằng có sự khác nhau đặc biệt giữa đồng bằng sông cửu long và miền trung.

    Thật ra tôi cũng chưa được đi đến những vùng miền trung nhiều lắm. Nhưng tôi nhận thấy quê tôi ở miền tây có rất nhiều kênh rạch chằn chịt sâu vào từng khu đất vườn của mỗi người dân, dọc theo những kênh rạch đó là những hàng dừa cao chót vót, ở đâu có vườn ở đó có các kênh rạch chằn chịt đan kẻ nhau dẫn thoát nước ra vào mỗi ngày.

    Không biết có đúng không, tôi nghĩ rằng nhờ vào hệ thông kênh rạch chằn chịt này mà ở đồng bằng sông cửu long khi có nước lớn cũng không bị lũ lụt nhiều như miền trung.

    Nếu như miền trung biết khai thác kênh rạch nhiều như các vùng quê miền tây thì có lẽ khi đến mùa nước lũ, những hệ thống kênh rạch kia sẽ gánh một phần lớn lượng nước từ trên núi xuống, lúc đó đất đai miền trung sẽ màu mỡ phì nhiêu hơn như những vùng miền tây đồng bằng sông cửu long.

    Trả lờiXóa