Thứ Sáu, 18 tháng 4, 2014

19 điều nhà dân chủ không được làm

(Đoan Trang)- 18/4/2013


Sau một thời gian tìm hiểu, ghi nhận ý kiến đóng góp của các nhà bất mãn với các nhà dân chủ, thiết nghĩ đã đến lúc cộng đồng mạng soạn thảo một nghị quyết về “19 Điều Nhà Dân Chủ Không Được Làm” để kịp thời chấn chỉnh những tiêu cực, hạn chế còn tồn tại trong một bộ phận không nhỏ các nhà dân chủ.


Theo các nhà bất mãn với các nhà dân chủ, thì một nhà dân chủ thực thụ, không phải “dân chủ giả cầy”, nhất định phải là người có các đặc điểm sau:

1. Có gia đình ổn định (tức là có vợ/ chồng giá thú đàng hoàng), chỉ có từ 1 đến 2 con theo đúng chính sách dân số của Nhà nước. Không được quan hệ nam nữ không trong sáng, không được độc thân, không được ly dị, không được lấy nhiều hơn một chồng/vợ.

2. Gia đình hòa thuận êm ấm, kinh tế cũng phải khá giả, bởi vì “ông không lo được cho vợ con mình thì lo được cho ai?”. Không được nghèo.

Nhưng phải chú ý là nếu giàu quá thì cũng có thể mang tiếng “ăn đủ rồi giờ quay sang làm cách mạng”, hoặc “nhà giàu vợ đẹp, đang ăn sung mặc sướng thế đi chống đối làm gì không biết, chắc lại hoang tưởng, thích làm lãnh tụ, điên”.


3. Ăn ở hòa thuận, đoàn kết với láng giềng; nhất thiết là không được để hàng xóm mất lòng, cấm cãi cọ, tranh giành. 

4. Con ngoan: Phải là con có hiếu, tốt nhất không bao giờ cãi bố mẹ, vì nếu không sẽ gây dư luận về “thằng con trời đánh thánh vật”, “bất hiếu bất nghĩa”, “bố đẻ nó, nó còn chả coi ra gì thì nó coi ai ra gì”.

5. Trò giỏi: Phải có thành tích tốt trong học tập suốt những năm tháng ngồi dưới ghế, à nhầm, trên ghế nhà trường XHCN, ít nhất là không bao giờ đội sổ, vì nếu không khi trở thành nhà dân chủ sẽ bị mang tiếng: “Ối cái thằng ấy tao còn lạ gì, hồi nhỏ học cùng tao, học dốt nhất lớp, toàn quay cóp bài”.

6. Có bằng cấp, học hàm, học vị có thể là một lợi thế, vì nếu học ít, sẽ bị đánh giá là “thất học”, “trình độ học vấn không hết lớp 9”, “cấp ba trường làng”, v.v. Nhưng bằng cấp cũng không nhất thiết là lợi thế, vì nếu là tiến sĩ chẳng hạn, thì lại mang tiếng kiểu khác: “trí thức không bằng cục phân”, “trí thức ở Việt Nam ấy mà, tâm với tầm cũng chỉ ở cái hạng đấy thôi”.


7. Làm rất nhiều nhưng nói rất ít, tốt nhất là phải âm thầm lặng lẽ, không nói, không viết trên mạng hay ba hoa xích tốc ngoài quán là mình đã làm những việc như thế, như thế, nếu không là thành “anh hùng bàn phím”, “nổ văng miểng”, “chém gió”, “kể công” ngay.

Cái này thì giống như các cán bộ tham gia giúp dân cải cách ruộng đất được mô tả trong tiểu thuyết Ly Thân của nhà văn Trần Mạnh Hảo: Đến nhà dân, “không thấy ăn thấy uống, chỉ thích rửa chén giùm”. Nói chung là nhà dân chủ phải im lặng, làm nhiều mà phát biểu ít, ăn ít (nhất là không ăn thịt chó). 

Tuy nhiên, riêng nếu an ninh yêu cầu ký xác nhận vào bài viết của mình (do các đồng chí ấy in từ trên mạng ra) thì lại phải ký ngay, đàng hoàng, công khai, nêu rõ cả tên tuổi, địa chỉ, số CMT, bởi nếu không thì chả hóa ra “mình làm, mình viết rồi không dám nhận à”. 

8. Không được cực đoan khi nhìn nhận về Nhà nước – bên cạnh những cái gọi là “chưa được” thì phải ghi nhận cả mặt tốt, mặt thành tựu, mặt Nhà nước đã đạt được, thế mới khách quan, đa chiều.

9. Không được chửi bậy, văng tục trên mạng.

10. Khi được các dư luận viên hạ cố vào chửi (hay là “phản biện”, theo cách nói của các dư luận viên), thì không được nổi nóng chửi lại, phải trao đổi ôn hòa, có lý lẽ, lập luận.

11. Không được remove và block ai trên Facebook, không được xóa comment – ơ kìa, dân chủ cơ mà, tôn trọng tự do ngôn luận cơ mà hố hố… (lời dư luận viên).

12. Không tham gia đảng phái, vì “đảng nào thì cũng chỉ vì quyền lợi của đảng ấy thôi chứ nghĩ gì đến dân”.

13. Không nhận tiền tài trợ của bất cứ cá nhân, tổ chức nào, đặc biệt là không nhận tiền nước ngoài. 

14. Không được có các mối quan hệ quốc tế, vì như thế là “cầu viện nước ngoài”, “bán rẻ Tổ quốc”, hoặc nói một cách nhẹ nhàng hơn là “vọng ngoại, việc của Việt Nam phải để người dân Việt Nam tự giải quyết”. 

* * *

Trên đây là 14 yêu cầu căn bản đối với một nhà dân chủ, theo “các nhà bất mãn với các nhà dân chủ”. Ngoài ra, còn 4 yêu cầu nữa do các giới khác nhau trong xã hội đưa ra, theo đó nhà dân chủ:

15. Không nên là người miền Bắc, vì “dân Bắc Kỳ” xảo trá, lươn lẹo, nằm trong lòng chính quyền, tóm lại là không tin được.

16. Không nên là dân oan, vì “chẳng qua là bất mãn, hằn học thôi chứ dân chủ dân chiếc gì”.

17. Không nên là người Công Giáo, Tin Lành… vì “cái đám tôn giáo vong bản, vọng ngoại, hồi xưa theo Tây bán nước, bây giờ thì cũng chỉ thờ Chúa của tụi nó thôi chứ làm gì có quê hương đất nước nào”.

18. Không nên là “thành phần thứ ba” thời trước 1975, vì “xưa mấy ổng thân cộng lắm mà, giờ về già ăn đủ rồi thì quay ra phản tỉnh, ai mà tin”.

* * *

19. Và cuối cùng, nhà dân chủ phải là người mà sau khi đọc hết những điều trên đây thì không được than “Ôi làm nhà dân chủ khó thế, kiểu này là thánh con mẹ nó rồi”. Bởi vì dư luận viên sẽ mắng ngay: Đã chấp nhận đấu tranh dân chủ thì phải như vậy mới được chứ, không chịu nổi thì đừng tự vỗ ngực nữa!

Ảnh: Nguyễn Lân Thắng

0 nhận xét:

Đăng nhận xét