Thứ Bảy, 8 tháng 3, 2014

Tàu cá cùng 8 ngư dân bị tàu “lạ” khống chế trên vùng biển Hoàng Sa




(Dân trí)
- Sáng 8/3, nguồn tin của Dân trí cho biết, tàu cá Khánh Hòa KH 90746-TS của ông Phan Quang (SN 1965, trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa) đã cập bến an toàn sau khi bị một tàu “lạ” khống chế trên vùng biển Hoàng Sa và lấy đi nhiều tài sản.

Tàu cá KH 90746-TS đã cập bờ an toàn sau khi bị tàu “lạ” khống chế, lấy nhiều tài sản trên tàu.

Thông tin ban đầu, vào khoảng 15h ngày 21/2, tàu cá KH 90746-TS (công suất 320CV) đang hành nghề câu cá nhám ở vùng biển Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam thì bị một tàu “lạ” tiếp cận, đưa người xông lên khống chế 8 ngư dân. Số tài sản bị lấy đi gồm: 2 máy bộ đàm, 1 máy định vị, 4 bộc câu cá nhám, 8 điện thoại di động, 7 bộ vi cá nhám cùng các giấy tờ quan trọng khác.

Theo thông tin, 8 ngư dân trên tàu cá Khánh Hòa bị tàu “lạ” khống chế gồm: Lê Hữu Toàn (SN 1982), Phan Thanh Bình (SN 1988), Phan Thanh Minh (SN 1990), Nguyễn Thanh Thảo (SN 1988), Nguyễn Thành Tân (SN 1990), Nguyễn Văn Tô (SN 1984), Trần Quang Hiếu (SN 1970) và chủ tàu là ông Phan Quang (SN 1965); cùng trú phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa, Khánh Hòa.

Sau khi cập bờ vào 4h sáng ngày 7/3, chủ tàu cá KH 90746-TS đã báo cáo vụ việc cho lực lượng đồn biên phòng 366 (đóng ở Ninh Hải, Ninh Hòa, Khánh Hòa). Hiện cơ quan chức năng đang làm rõ vụ việc.

Dân trí tiếp tục thông tin tới bạn đọc.

Viết Hảo
***
Được biết trước đó ngày 25/12/2014 giữa quân đội Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết để thiết lập đường dây nóng quốc phòng của 2 nước. Việc thiết lập đường dây thông tin điện thoại bảo mật trực tiếp sẽ giúp quân đội hai nước kịp thời chia sẻ những thông tin mà hai bên cùng quan tâm, góp phần củng cố tăng cường hợp tác giữa nhân dân và quân đội hai nước.

Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam tiếp Cục trưởng Cục Điện tín Trung Nam Hải.Ảnh: TTXVN 

Theo Vietnamnet

Thứ Năm, 6 tháng 3, 2014

Hãy cho người Việt Nam tại Ukraine hồi hương

(Châu Văn Thi)- Những ngày này tràn ngập thông tin trên các báo, mạng xã hội về cuộc đổ bộ quân sự của Nga vào Crimea (nước cộng hòa tự trị thuộc Ukraine). Tổng thống lâm thời Ukraine ông  Alexandr Turchynov ban bố lệnh tổng động viên quân đội. Thanh niên Ukraine nô nức lên đường đăng ký nhập ngũ:

"Tôi muốn tham gia bảo vệ đất nước", Roman Surzhikov, một kỹ sư 33 tuổi, cũng là lính dự bị, nói khi đứng trong dòng người đang tiến vào một trung tâm tuyển quân của Kiev, bất chấp bảng báo "đóng cửa" ở bên ngoài.
Surzhikov giải thích lý do anh muốn đứng vào hàng ngũ quân đội: "Tất nhiên tôi không mong chiến tranh xảy ra, nhưng nếu nó xảy ra, nghĩa vụ của chúng tôi là bảo vệ đất nước"."Hầu hết họ đến đây theo tinh thần tự nguyện hơn là do lệnh tổng động viên", anh nói, hút một điếu thuốc bên ngoài tòa nhà với quốc kỳ màu xanh, vàng, của Ukraine cắm trên nóc. "Nhiều người thất vọng vì họ nghĩ rằng việc tổng động viên đã diễn ra nhưng chúng tôi vẫn bảo họ chờ đợi, rằng chúng tôi sẽ gọi lại cho họ khi nào cần". Theo Vnexpress


Vậy mà những ngày gần đây, ở Việt Nam xuất hiện một bài báo của một gã người Ukraine gốc Việt lên tiếng lo sợ về cuộc chiến và còn có dự định đưa những đứa con về lại Việt Nam ?!


Thanh niên Ukraine đăng ký nhập ngũ. Ảnh sưu tầm từ Internet

Cộng đồng người Việt Nam tại UA

Cộng đồng người Việt Nam tại Ukrine hình thành từ vài thập kỷ qua, thời còn một Liên bang Xô Viết vững mạnh. Theo Luật quốc tịch Ukrine thì công dân chỉ có quyền có một quốc tịch duy nhất, và chắc hẳn là cộng đồng người Việt tại đây đã bỏ quốc tịch Việt từ lâu rồi!

Có một quy định đặc biệt dành cho người Việt Nam ở Ukraine:
Phần 5, Luật di trú Ukraine có đề cập cụ thể đến các đối tượng là người Việt Nam sang Ukraine lao động và học tập, được Pháp luật cho phép định cư tại Ukraine, như sau:

"Người nước ngoài và người không có quốc tịch đến Ukraine trước ngày 6 tháng 3 năm 1998, trong khuôn khổ Hiệp định liên chính phủ được ký kết ngày 2 tháng 4 năm 1981 giữa Việt Nam và Liên Xô cũ về việc trao đổi và tiếp nhận các công dân Việt Nam sang lao động và học tập tại các xí nghiệp và cơ sở của Liên Xô, hiện đang cư trú hợp pháp tại Ukraine, có quyền nộp hồ sơ xin được định cư trong thời hạn 6 tháng, kể từ khi Luật di trú Ukraine bắt đầu có hiệu lực". (Luật di trú Ukraine được tổng thống Leonhid Kuchma ký ngày 7 tháng 6 năm 2001).


Khi nhập quốc tịch Ukraine, người nhập tịch lúc nào cũng phải đạt một trình độ nhất định về ngôn ngữ: nói, viết... hiểu biết con người, lịch sử cũng như thủ tục tuyên thệ dưới lá quốc kỳ Ukraine. Vậy tại sao người Việt tại đây lại sợ nhập ngũ chiến đấu cho Ukraine?


Non sông dễ đổi, bản tính khó dời

Tràn ngập các bài viết của người Ukraine gốc Việt trên các trang báo Việt Nam thể hiện một màu sắc xám xịt của xã hội. Nơi đó chỉ toàn những kẻ phát xít, trộm cắp, được gắn mác dân chủ dưới lời kể của Hồ Sỹ Trúc: "Các tổ chức cực đoan và các băng đảng tội phạm trỗi dậy hoạt động mạnh mẽ dưới nhiều chiêu bài khác nhau. Họ lợi dụng sự lơi lỏng của hệ thống luật pháp đang bị tê liệt, với đích ngắm là tấn công vào các hệ thống cửa hàng, ngân hàng và người nước ngoài. Đã xảy ra một số vụ giết người không vì nguyên nhân chính trị."


Ông Trúc tỏ ý định: "Chúng tôi phân vân không biết lựa chọn con đường trước mặt như thế nào. Vợ tôi liên tục thúc giục đưa con về Việt Nam, nhưng cháu đang học dang dở lớp 3, nên để đưa ra một quyết định là rất khó. Tôi bàn với vợ sẽ đưa con gái về với ông bà khi kỳ nghỉ hè tới vào tháng 5. Sau đó, nếu Ukraina đã ổn định trở lại thì chúng tôi sẽ đưa con quay lại. Còn nếu không, con bé sẽ đi học tại Việt Nam. Phải cố thôi, dù con không thông thạo tiếng Việt."



Các bài báo khác nổi lên ca tụng soái hạm Hetman Sahaidachny, Ukraine khi thượng cờ Nga và quay đầu trở về Nga. Nhưng sau đó ít ngày lại quay trở về Ukraine như một biểu tượng của lòng trung thành.

Soái hạm Hetman Sahaidachny của Hải quân Ukraine. Ảnh: Reuters.


Cho "chúng nó" về lại Việt Nam!

Trong dân gian thường gọi những con người có ý định bỏ trốn như vậy là những kẻ trở cờ, té nước theo mưa... Đất nước Ukraine không cần những con người này, những con người chỉ biết sống bám dựa vào đất nước họ, khi đất nước bất ổn có ngoại xâm thì quay lưng bỏ chaỵ về Việt Nam. Những kẻ đó xứng đáng được sống với phần lớn tích cách của xã hội VN hiện giờ: bảo thủ, an phận thủ thường, hèn nhát, ngại đụng chạm chính trị!

Họ xứng đáng được sống trong đất nước Việt Nam: dù còn khó khăn vất vả, nhưng người dân được sống trong an bình cũng đã là một niềm hạnh phúc lớn lao. Cứ hãy thử nhìn ra thế giới để thấy các nước như Ai Cập, Syria... và gần nhất là Thái Lan, giờ đây bị chìm đắm trong biểu tình và bạo lực.

Hãy xem lại những cái tít được đặt lại dưới sự định hướng của sếp PC67 cho cộng đồng người Việt tại Ukraine yên tâm khi hồi hương:
1. Khởi tố đối tượng hành hung công cụ hỗ trợ của CSGT
2. Truy tố kẻ tự dùng ớt bột xát vào bộ hạ, nhằm bôi nhọ ngành công an.
3. Cảm thấy có tội với đảng và nhà nước, kẻ tình nghi treo cổ tự tử.
4. Bắt khẩn cấp đối tượng tự đánh bầm dập thân thể để chống người thi hành công vụ

Điều cuối cùng, tác giả muốn đặt một câu hỏi rằng: sẽ ra sao nếu như những người Ukraine đọc được những bài viết như của ông Hồ Sỹ Trúc? 

Thứ Tư, 5 tháng 3, 2014

Bôxit Tây Nguyên: Đại hoạ dân tộc Việt (Kỳ II)

Kỳ II: Nhà máy Alumina Nhân Cơ(Đăk Nông): Môi trường tan nát, công nghệ lạc hậu rõ ràng.

Tiếp bài viết Kỳ I: Nhà máy Alumina Tân Rai(Lâm Đồng): Những quả bom đã được kích hoạt. 



Chúng tôi tiếp bước từ Lâm Đồng lên Đăk Nông, miền đất đỏ bazan đượm nắng gắt. Đường vào Khu Dự án Bôxit Nhân Cơ nhăm nhở ổ gà, ổ voi vì xe chở vật liệu tàn phá khi tiến hành xây dựng nhà máy thuỷ điện Đồng Nai 05.

Nhân Cơ là một xã thuộc huyện Đắk R'Lấp, tỉnh Đăk Nông, Việt Nam. Nhân Cơ nói riêng và toàn tỉnh Đắk Nông nói chung đều nằm trên cao nguyên Mơ Nông, cao nguyên đất Feralit trên nền Bazan có nhiều khoáng sản, đặc biệt là quặng bô xít, theo nghiên cứu của chính phủ Việt Nam trên toàn Đăk Nông có khoảng 3,4 tỷ tấn(chiếm 63% toàn trữ lượng bauxite ở khu vực Tây Nguyên).

Tổng quan dự án Bôxit Nhân Cơ.

Dự án khai thác bauxite Nhân Cơ là một trong những dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, được triển khai tại tỉnh Đắk Nông, Việt Nam. Tên gọi Nhân Cơ được đặt do nhà máy khai thác chính đặt tại xã Nhân Cơ, huyện Đăk R'Lấp, tỉnh Đắk Nông, Việt Nam.

Chủ trương lập dự án bauxite - alumin Nhân cơ đã được thông qua tại Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01 tháng 11 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch bauxite với công suất Nhà máy alumin Nhân Cơ lên 600.000 tấn/năm. Việc khai thác bauxite tại Đắk Nông được chính phủ Việt Nam giao cho Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản (TKV) làm chủ đầu tư với nhà thầu xây dựng nhà máy khai thác là công ty Chalieco, Trung Quốc thực hiện tất cả các công đoạn từ thiết kế - mua thiết bị - xây dựng - đào tạo (EPC). Hiện nay dự án đang tiến hành xây dựng cơ sở hạ tầng.

Công nghệ Trung Quốc

Theo tính toán của Tập đoàn TKV và Bộ Công thương, nhu cầu tiêu hao điện năng cho việc sản xuất Alumina từ quặng Bauxite là không lớn, bình quân khoảng 200 - 256 kWh/tấn. Vì thế tại các nhà máy chế biến Alumina sẽ đầu tư các nhà máy nhiệt điện tự dùng với quy mô khoảng 30 MW. Cũng tương tự mối nguy hại như dự án Bôxit Tân Rai(Lâm Đồng), dự án Bôxit Nhân Cơ cũng sử dụng công nghệ và lò nung công nghệ lạc hậu của Trung Quốc với những hiểm hoạ khôn lường. Ở nhà máy Tân Rai có 12 lò nung, nhưng ở Nhân Cơ có tới 18 lò nung sét zỉ đang chờ quét sơn cho sáng bóng khi dự án đi vào hoạt động.

Nước.

Theo phương án thiết kế, lượng nước sử dụng cho dự án là nước mặt tự nhiên, không sử dụng nước ngầm, với giải pháp tôn cao đập của hồ Nhân Cơ hiện có, sẽ tăng dung tích chứa nước của từ 2,08 triệu m3 lên 21,8 triệu m3 đủ cho việc sản xuất. Hiện nay, nước tại Hồ Nhân Cơ đã được trữ ở mức trung bình.

Rừng.

Khi triển khai xây dựng nhà máy Bôxit Nhân Cơ, hàng loạt hộ gia đình đã phải di dời, ước chừng hàng trăm hecta rừng bị triệt hạ. Thay vào đó là những hố sâu được đào rất rộng lớn, bừa bãi.

Hố bùn đỏ.

Dự án Bôxit Nhân Cơ cũng giống như Bôxit Tân Rai được thiết kế hai hố chứa bùn đỏ. Ở Tân Rai, theo quan sát của chúng tôi, hố bùn đỏ nhỏ hơn nhiều so với hố bùn đỏ ở Nhân Cơ.

Điểm khác biệt nữa là xã Nhân Cơ có độ cao so với mực nước biển cao, 02 hố bùn đỏ Nhân Cơ nằm ở vị trí cao hơn nhiều so với những khu vực gần kề. Như vậy sẽ rất trớ trêu khi một khối lượng bùn đỏ chứa các chất kiềm và phóng xạ nguy hiểm ở một vị thế cao như vậy.

Anh Trần Văn Trung ở xóm 08 xã Nhân Cơ cho biết: “Từ khi quy hoạch, xây dựng dự án Nhân Cơ, cuộc sống người dân ở đây bị xáo trộn hoàn toàn. Chúng tôi không được giải thích rõ ràng về các mỏ bauxite, việc xây dựng và mở rộng nhà máy alumina, hay kế hoạch thu hồi đất, đền bù. Trước đây, cả một khu rẫy cà phê, tiêu, mì tươi tốt mà giờ bị thu hồi gần hết mà đền bù chẳng thấm thoát gì. Người dân thấp cổ bé họng, có ý kiến Nhà nước không nghe cũng đành chịu”.

Hiện nay, công nhân Trung Quốc vẫn tiếp tục lưu trú, sinh hoạt tại khu vực hai xã Nhân Cơ, Nhân Đạo huyện Đắk R’Lâp tỉnh Đắk Nông, với sự quản lý lỏng lẻo của địa phương. Họ làm việc kín trong khu vực dự án.

Chị Hoa – Chủ quán Cà phê ở Chợ Nhân Cơ cho hay: “Người Trung Quốc hay ra quán chị uống cà phê lắm, giống như người địa phương vậy, họ còn đi chơi gái ở giữa chợ nữa kia. Từ lúc người Trung Quốc có mặt, có thêm nhiều quán cà phê đèn mờ lắm”.

Kết luận: Ngày 15/01/2011 sau khi xảy ra thảm họa bùn đỏ rại Hungary, Phát ngôn viên Ủy ban phụ trách về môi trường của Ủy ban Châu Âu(EC) - ông Jo Hennon - đã nói rõ: “Việc chọn lựa địa điểm tại khu vực mang nhiều rủi ro là sai lầm, và lẽ ra không nên cho phép xây dựng nhà máy này”. Và giờ đây Việt Nam lại đang tìm cách để tới những hiện thực đó bất chấp những quan ngại từ các chuyên gia, nhà khoa học trong nước cũng như nước ngoài về các hậu quả tai hại mà các dự án Bôxit tại Tây Nguyên hiện nay mang lại.
Thiết nghĩ, một chính quyền luôn hô hào kịch liệt là “của dân, do dân, vì dân” lại để những tiếng kêu, những nguyện vọng, những ưu tư của người dân ra ngoài tai, nhằm hướng tới những mục tiêu nguy hại tới vận mệnh cả dân tộc thì chính quyền đó đáng để người dân chà đạp và lãng quên.


FB Người Xứ Bố Sơn

Bôxit Tây Nguyên - Đại hoạ dân tộc Việt (Kỳ I)

Kỳ I: Nhà máy Alumina Tân Rai (Lâm Đồng): Những quả bom đã được kích hoạt

Như hầu hết mọi người đã biết, dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên là một loạt các dự án khai thác mỏ bô xít ở khu vực Tây Nguyên, Việt Nam. Dự án này đã gây ra nhiều ý kiến tranh cãi khác nhau trong dư luận, báo chí, Quốc hội. Hiện nay, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã và đang tiến hành triển khai thăm dò, đầu tư khai thác bô-xít, luyện alumina tại Tân Rai(huyện Bảo Lâm – tỉnh Lâm Đồng).

Trong những năm qua, từ khi các dự án khai thác bauxite ở Tây Nguyên được đưa lên mặt giấy đến nay, hàng loạt những ý kiến tranh cãi xoay quanh vấn đề an ninh, quốc phòng, hiệu quả kinh tế, hậu quả xã hội, tác động đối với môi trường sinh thái, công nghệ Trung Quốc lạc hậu, việc sử dụng lao động phổ thông Trung Quốc tại khu vực Tây Nguyên trái với Luật lao động Việt Nam.

Bao giờ cũng vậy, chỉ khi tận mắt chứng kiến thì mới có thể đánh giá một sự vật, hiện tượng trung thực và khách quan được. Tôi có dịp chứng kiến một trường hợp ngay trong chuyến khảo sát thực địa vừa qua tại Tây Nguyên.

Tổng quan nhà máy Bôxit Tân Rai.

Dự án bôxit Tân Rai được triển khai xây dựng tại huyện Bảo Lâm – Lâm Đồng – Việt Nam. Từ ngày 18 tháng 11 năm 2008 tới nay, nhà thầu Chalieco (Trung Quốc) đã cơ bản hoàn thành cơ sở hạ tầng nhà máy boxit Tân Rai.

Nhiều vấn đề vẫn đang được tranh cãi gay gắt xoay quanh dự án này dù nhà máy Bôxit Tân Rai đã đi vào hoạt động mấy năm gần đây. Bài viết này chỉ đề cập tới hai vấn đề chính: tác động đối với môi trường sinh thái, công nghệ Trung Quốc lạc hậu.


Tác động tới môi trường sinh thái.

Khi đi tới gần khu vực nhà máy chính sản xuất Alumina Tân Rai, ai cũng có thể ngửi được mùi trứng thối nồng nặc. Ông P.T.T là bí thư xóm gần kề nhà máy cho hay: “Các chú có thể tự mình ngửi được cái mùi hôi thối mà chúng tôi phải chịu từ lúc nhà máy Bôxit bắt đầu hoạt động. Dân chúng tôi khổ lắm, giờ chỉ mong Nhà nước thu hồi luôn để chúng tôi đi luôn cho con cháu được nhờ. Chứ ở thế này sớm muộn bệnh tật cũng tới các chú ạ”.

Hỏi những chuyện đời thường xung quanh nhà máy Bôxit Tân Rai, ông đảng viên 30 năm tuổi đảng CSVN bức xúc khi nói hết từ quá trình hiện hữu của dự án này tới nay: “Đầu tiên khi giải phóng mặt bằng, các quan chức ăn bớt hết tiền của dân bị lôi ra toà. Thế nhưng chẳng hiểu sao số tiền bị cắt xén đó cũng chẳng quay lại với dân mà đi đâu chẳng biết. Người Trung Quốc đi lại sinh sống như những người dân địa phương, nạn mại dâm bùng phát. Khi nhà máy đi vào hoạt động thì cái mùi trứng thối bao quanh chúng tôi ngày đêm”.

Công nghệ Trung Quốc lạc hậu.

Lâu nay, nhiều luồng dư luận chỉ tập trung quan tâm vào mối nguy hiểm của hố bùn đỏ mà quá trình tinh chế alumina thải ra. Thế nhưng mối nguy hại đó thực sự chưa lớn bằng hàng chục chiếc lò than hoá khí zỉ zét đang được sử dụng trong nhà máy Bôxit Tân Rai.

Trước đây khi vấn đề về công nghệ lạc hậu của Trung Quốc được đặt ra, nhiều nhà phân tích nhận định không sai vì hiện tại theo một công nhân ở Tổ Sửa chữa bảo trì - nhà máy Bôxit Tân Rai cho biết: “Máy chẳng biết thế nào mà thường xuyên hư hỏng, tụi anh phải chạy đôn chạy đáo mới kịp sửa chữa các lỗi mà ở hầu hết các công đoạn sản xuất đều có trục trặc”.

Trong nhà máy Bôxit Tân Rai, tổng cộng có 12 lò than hoá khí, thế nhưng hiện nay 1 lò đã gần như hỏng hẳn, 11 lò vẫn đang hoạt động. Trong cuộc trò chuyện với một công nhân làm việc ngay trong lò than hoá khí anh bày tỏ lo ngại về sức khoẻ của mình vì không có đồ bảo hộ lao động, tai nạn thường xuyên xảy ra. 



Khi được hỏi về mối nguy hại lớn nhất trong nhà máy Bôxit Tân Rai thì anh cho biết: “Mình làm việc ở đây đã được gần 03 năm rồi, mình nghĩ rằng vấn đề hố bùn đỏ tới giờ vẫn chưa đáng lo ngại lắm. Trước mắt mình nghĩ dễ dàng nhất vẫn là sự cố ở lò than hoá khí. Nếu vô tình mất điện, trong 05 phút mà công nhân trực lò xử lý không kịp sự cố lò thì lò sẽ nổ. Nói cậu đừng cười cứ, bọn em đi trực toàn ngủ gật không à. Nếu một lò nổ thì 10 lò còn lại sẽ nổ, cứ dây chuyền như thế thì không chỉ nhà máy Bôxit Tân Rai tan tành mà là cả một khu vực rộng lớn sẽ không còn gì. Cứ tưởng tưởng một bình ga nổ thôi đã làm sập căn nhà hai tầng, 11 lò, mỗi lò to bằng cái container thì sức nổ của nó lớn thế nào. Ghê gớm lắm”.

Tiếp lời anh công nhân cho biết thêm: “Những lò khí hoá than trước khi được lắp đặt trong nhà máy đã bị sét zỉ hết rồi, chỉ sơn lại nên nhìn mới thế thôi. Chứ nổ lúc nào không lường được đâu.”


Còn về hố bùn đỏ, anh này cho biết: “Bùn đỏ khi đã được lắng đọng khô thì có hàng loạt xe container tới chở hết đi đâu không rõ. Nghe nói là đưa đi xử lý”.

Câu hỏi được đặt ra là số bùn đỏ khô chứa vô vàn chất phóng xạ và kiềm gây nguy hại vô cùng cho sức khoẻ của người dân được các xe container chở đi đâu ?

Hiện tại, khu nhà máy Bôxit Tân Rai vẫn được bảo vệ nghiêm ngăt nên những bức hình này rất khó khăn mới ghi lại được.

Những dấu hỏi lớn được đặt ra khi Báo cáo của Chính phủ một đường nhưng thực thi lại một nẻo với những sự mập mở tới mức nguy hại tới dân tộc.

Chúng tôi sẽ tiếp tục Kỳ 2 về các mối nguy hại từ dự án Nhà máy sản xuất Alumina từ Bôxit ở Nhân Cơ (Đăk – Nông). Xin mời quý vị đón đọc.

FB Người Xứ Bố Sơn.
danlambaovn.blogspot.com

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

Trung Quốc lại tấn công ngư dân Việt Nam ở Hoàng Sa


Khoảng 12h trưa nay 03/3, sau nhiều ngày bị tàu Trung Quốc tấn công, cướp hết ngư cụ trên vùng biển Hoàng Sa, chiếc tàu cá mang số hiệu QNg 90479 của ông Võ Văn Lựu (1966) trú tại xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tỉnh Quảng Ngãi đã về đến Cảng Sa Kỳ. 

 Tàu cá của ông Võ Văn Lựu cùng 14 thuyền viên đã cập Cảng Sa Kỳ, tỉnh Quảng Ngãi trong tình trạng bị mất sạch ngư cụ. Mạn tàu bị hư hỏng do tàu sắt Trung Quốc đâm, toàn bộ ngư cụ như đồ lặn, thiết bị máy dò tín hiệu, máy định vị và gần 5 tấn cá, tôm hùm bị người Trung Quốc cướp, tổng trị giá trên 350 triệu đồng. Ngày 9.2 tàu cá của ông Lựu cùng 14 thuyền viên ra đánh bắt hải sản ở vùng biển Hoàng Sa, đến khoảng 15h ngày 1.3 thì bị một tàu sắt của Trung Quốc khoảng trên 35 người, mang theo súng, roi điện bao vây, tấn công. Chúng bắt thuyền trưởng Võ Văn Lựu đánh đập, dùng roi điện chích vào người gây thương tích và dồn 14 thuyền viên còn lại úp mặt lên mạn tàu. Sau đó nhóm người Trung Quốc đập phá dụng cụ, bẻ lá cờ Tổ quốc, lấy cắp tài sản tẩu thoát. Ngay sau khi tàu cập Cảng Sa Kỳ, lực lượng Công an tỉnh và Đồn biên phòng Bình Hải đã đến tiếp nhận thông tin và điều tra việc tàu cá bị tấn công. Từ đầu năm 2014 đến nay, có đến 4 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa Việt Nam bị người Trung Quốc tấn công phi pháp, gây bất bình trong dư luận trong nước và quốc tế.

Từ đầu năm đến nay có 4 tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi đánh bắt hải sản trên vùng biển Hoàng Sa của Việt Nam bị người Trung Quốc tấn công phi pháp
Tàu bị cướp phá - người bị đánh đập.


Nguồn: ANTV.
Theo Vietinfo.eu

Xu hướng mới của nhà cầm quyền Hà Nội

(Châu Văn Thi)- Sáng ngày 25-2-2014 người thân của nhà hoạt động Bùi Thị Minh Hằng và tín đồ PGHH Nguyễn Văn Minh nhận được thông báo tạm giam từ công an huyện Lấp Vò, Đồng Tháp. Trên thông báo tạm giam ghi rõ tội của Bùi Hằng phạm vào điều 245 BLHS là: đã có hành vi hành hung lực lượng công an đang thi hành nhiệm vụ và cản trở giao thông nghiêm trọng. Còn đối với anh Minh phạm vào điều 247 BLHS là: đánh và cản trở lực lượng công an xã Mỹ An Hưng B đang thi hành nhiệm vụ. Riêng chị Thúy Quỳnh không có thông báo tạm giam do không có người thân đến.






Xu hướng chuyển các vụ án chính trị sang hình sự

3 người gồm Bùi Thị Minh Hằng, Nguyễn Văn Minh và Thúy Quỳnh bổ sung vào danh sách dài đằng đặc những blogger và nhà hoạt động bị bắt vì chính kiến của mình. Trước đó luật sư Nguyễn Bắc Truyển cũng bị câu lưu hơn một ngày vì các công nợ từ công ty cũ mà họ muốn chuyển từ dân sự sang hình sự. Danh sách đó gồm:
1. Blogger Điếu Cày-Nguyễn Văn Hải - bị khép tội trốn thuế
2. Luật sư Lê Quốc Quân - bị khép tội trốn thuế.
3. Nhà văn Trần Khải Thanh Thủy - bị khép tội cố ý gây thương tích
3. Blogger Trương Ba Không-Trương Văn Tam - bị khép tội chiếm đoạt tài sản trái phép
4. Blogger Aduku Adk-Nguyễn Văn Dũng - bị khép tội giao cấu với trẻ vị thành niên
5. Blogger Bùi Thị Minh Hằng - bị khép vào điều 245 BLHS
6. Tin đồ PGHH Nguyễn Văn Minh - bị khép vào điều 247 BLHS
7. Nguyễn Thị Thúy Quỳnh - bị khép vào điều 247 BLHS
...

Xu hướng dùng côn đồ tấn công các nhà hoạt động

*Vụ việc vừa qua tại Lấp Vò, Đồng Tháp dưới lời kể của anh Lưu Trọng Kiệt, một người tranh đấu và cũng là bạn của LS Nguyễn Bắc Truyển: nhóm bạn 21 người từ Sài Gòn xuống cùng các tín đồ Phật Giáo Hòa Hảo thăm gia đình Nguyễn Bắc Truyển sau khi hay tin anh bị bắt. Trên đoạn đường xã vắng vẻ khi còn cách nhà anh Truyển không xa nữa thì phía trước là rất đông lực lượng công an, cảnh sát giao thông, và những người mặc thường phục đã chặn họ lại. Lực lượng cảnh sát giao thông chặn lại hỏi giấy tờ. Chưa kịp trả lời hoặc hiểu chuyện gì đang xảy ra thì những người này bị xông vào đánh. Họ bị bắt giữ và dẫn giải về công an huyện Lấp Vò, Đồng Tháp giam giữ 1 ngày đêm rồi thả. Chỉ còn 3 người là Bùi Hằng, Thúy Quỳnh và Nguyễn Văn Minh là còn bị giam giữ đến thời điểm này và sau đó nghe nói là có lệnh khởi tố.

*Lấy thời điểm Việt Nam sau khi tham gia vào HĐNQ LHQ:
- 8/12/2013: Các thành viên của Mạng lưới blogger tổ chức các sự kiện mừng ngày quốc tế nhân quyền (10/12) ở cả 3 tỉnh là Sài Gòn, Nha Trang, Hà Nội. Trong khi ở thủ đô đang diễn ra các hoạt động như phát bóng bay, phát tuyên ngôn quốc tế nhân quyền thì bị "côn đồ" chích bể bóng, Fber Sep Pham bị giật mất ba lô, Fber Ngủ Chưa Say bị đánh hội đồng. Tình trạng không khá hơn ở Sài Gòn, khi "côn đồ" trực tiếp tấn công blogger Châu Văn Thi và Hoàng Dũng CDVN. Sau đó họ còn dùng cả "bom thối" là mắm tôm để ném vào những tham dự viên.



- 10/12/2013: Ngày quốc tế nhân quyền đầu tiên khi Việt Nam đã là tân thành viên của HĐNQ LHQ, mọi chuyện trở nên tồi tệ hơn khi ở Sài Gòn, lực lượng an ninh tấn công blogger Nguyễn Hoàng Vi, và blogger Mẹ Nấm khi 2 người đang cố đi đến nơi tổ chức sự kiện ra mắt của MLBVN. Những người bạn của Vi sau đó như Trần Hoàng Hận, Hoàng Dũng CDVN đến hỗ trợ sau đó cũng bị tấn công và hành hung một cách dã man.
Nhà hoạt động Hoàng Dũng Cdvn sau khi bị tấn công.
- 10/12/2013: tại Đà Nẵng, các blogger Lê Anh Hùng, Lê Thị Phương Anh, Nguyễn Văn Thạnh, Nguyễn Đức Quốc cũng bị hành hung bởi lực lượng côn đồ thường phục.

Fber Thanh Hoàng (Nguyễn Đức Quốc) nhập viện với khuôn mặt bê bết máu.
- 31/12/2013: Khi đang trên đường đi vận động thành lập Hội cựu tù nhân lương tâm Việt Nam ông Huỳnh Ngọc Tuấn bị đánh gãy xương ức. 11/2/2014 gia đình ông bị tấn công bởi những kẻ lạ mặt bằng gạch đá với kích thước lên tới 14cm nặng 1.9 kg làm vỡ miếng tôn xi măng. Chưa ngừng tại đó, sự việc mới nhất xảy ra vào chiều ngày 20 tháng 2 năm 2014, ông và con trai là Huỳnh Trọng Hiếu lại bị 8 côn đồ hành hung ngay trên đường, sau khi ông và con trai tham dự lễ giỗ ở Bình Định về lại Quảng Nam. (Theo RFA)

- Nhà hoạt động Nguyễn Văn Thạnh cùng gia đình phải chuyển chổ ở liên tục do sức ép vô hình từ "phia trên" và mới đây ngày 16/2/1014, anh cũng bị đánh đến xuất huyết ở mắt khi đến chơi nhà người em ruột (anh bị bệnh máu khó đông).

- Dân oan Trần Ngọc Anh, Lê Thị Ngọc Đa, Phụng Thị Lý cùng các dân oan khác bị tấn công khi tiến hành các cuộc biểu tình đòi đất ở Sài Gòn trong những ngày đầu năm 2014.


Tại sao nhà cầm quyền lại có khuynh hướng này?

*Thứ nhất:
-Cuối năm 2013 Việt Nam hối hả gia nhập vào công ước quốc tế quan trọng là Công ước chống tra tấn và sau đó được bầu làm thành viên của Hội đồng nhân quyền LHQ.
-Một điều quan trọng nữa là Việt Nam đang bước vào những vòng đàm phán cuối về Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP).
-Sang đầu tháng 2 năm 2014 nhà cầm quyền Hà Nội tham dự phiên điều trần kiểm định định kỳ phổ quát (UPR) tại Thụy Sỹ.
Việc hội nhập quốc tế sâu rộng và nôn nóng tham gia vào Hiệp định thương mại TPP đã đẩy nhà cầm quyền Hà Nội vào thế tiến thoái lưỡng nan. Họ không thể ngang nhiên tiếp tục sử dụng những điều luật đang bị lên án gay gắt như 79, 88, 258 để bỏ tù những người bất đồng chính kiến. Họ tính ra được rằng khi giam giữ một người nào đó, từ giai đoạn bắt đến giai đoạn kết thúc điều tra ít nhất là 4 tháng. Trong 4 tháng này những tổ chức nhân quyền quốc tế sẽ liên tục lên án VN mất nhân quyền, chưa kể người bị bắt đó sẽ có thêm rất rất nhiều người ủng hộ. Điển hình như trường hợp Đinh Nhật Uy, họ phải muối mặt trả tự do cho anh tại tòa sau khi đã tròng vào đầu anh bản án 15 tháng tù treo và 1 năm quản chế.

*Thứ hai: 
Việc chuyển các vụ án chính trị sang hình sự họ có thể ít nhận sự chỉ trích hơn từ quốc tế, họ có thể tuyên truyền là những người này vi phạm pháp luật hình sự nên bị bắt, hoặc giả "không tồn tại cái gọi là tù nhân lương tâm ở Việt Nam".

*Thứ ba:
Khuynh hướng bạo lực tỏ ra có hiệu quả khi có một vài người do bị tấn công, tác động của nhiều yếu tố... đã dừng các hoạt động đấu tranh hoặc lui về "tuyến sau" nhiều hơn.

Cách phòng tránh, chấm dứt các vụ án hình sự, bạo lực 

Tất nhiên, trong xã hội hiện nay việc gán ghép các tội hình sự cho những nhà đấu tranh là khá đơn giản, do vậy khó có thể phòng tránh. Chúng ta chỉ có thể hạn chế đến mức thấp nhất các rủi ro bằng cách cố gắng tuân thủ pháp luật. Tránh xa các nguy cơ, những nguy hiểm tiềm ẩn... Trong khuôn khổ hạn hẹp, người viết xin được nêu lên những phương cách cơ bản để phòng tránh hoặc để nhà cầm quyền dừng lại các hành vi bạo lực:

- Khi đi làm các công việc bảo vệ nhân quyền, chụp ảnh dân oan chống cưỡng chế... cần cho một vài người bạn tin cẩn biết thông tin như: giờ đi, nơi đến, việc làm... và những nguy cơ tiềm ẩn khi không liên lạc được với người bảo vệ nhân quyền. Những người bạn này nên lập tức thông tin lên các phương tiện thông tin xã hội như: mạng xã hội Facebook, Twitter, Blogspot... để những người gần đó ra ứng cứu.

- Khi đánh giá được mức độ nguy hiểm nên hạn chế ra đường vào đêm khuya, hoặc nếu công việc gấp thì nhà bảo vệ nhân quyền nên cố gắng nhớ đặc điểm nhận dạng của mật vụ, số xe,... để có thể tố cáo sau này.

- Lâu dài nên học võ tự vệ để hạn chế đến mức thấp nhất các tổn thương gây ra khi bị tấn công.

- Đi từ 2 người 2 xe trở lên để hỗ trợ nhau, người phía sau quay phim chụp ảnh ghi lại các bằng chứng vi phạm nhân quyền của nhân viên công lực.

- Không tỏ ra sợ hãi trước những hành động bạo lực, cần khẳng định việc họ tấn công là sai, hô hoán cho nhân dân gần đó biết mình đang bị tấn công bởi những người lạ mặt để được nhân dân bảo vệ.

-Viết các đơn tố cáo, chụp ảnh thương tích, giấy chứng thương gởi về các cơ quan công an chịu trách nhiệm bảo đảm an ninh trên địa bàn, sau đó tiếp tục gởi về các đại sứ quán quốc tế, các tổ chức bảo vệ nhân quyền để hỗ trợ lên tiếng trước công luận quốc tế.

Điều quan trọng chúng ta nên nhớ là mọi việc làm để bảo vệ nhân quyền là việc làm đúng đắn cần phải được khuyến khích bảo vệ. Các hành động xâm phạm thân thể người bảo vệ nhân quyền là vi phạm trầm trọng quyền con người, công ước chống tra tấn... Nếu nhà cầm quyền tiếp tục những hành động bạo lực này sẽ bị dư luận quốc tế lên án, gây ảnh hưởng đến các hợp đồng thương mại của Việt Nam trên trường quốc tế!

Châu Văn Thi-Tường trình từ Sài Gòn